Friday, August 25, 2017

Vua Minh Mạng với những cải cách nổi bật.

Vua Minh Mạng (hình minh họa)
Triều Nguyễn trải dài 133 năm từ 1802 đến năm 1945 với 13 đời vua. Minh Mệnh là vị vua thứ hai. Gia Long là người sáng nghiệp triều Nguyễn, thống nhất đất nước từ ải Nam Quan đến mũi Cà Mau. Thì, vua Minh Mệnh trong 21 năm trị vì đã có những cải cách nổi bật đưa triều đại nhà Nguyễn và đất nước lên một tầm cao mới. Vua Minh Mệnh là người thông minh, tài năng, quyết đoán, chuyên cần lo việc triều đình và đất nước. Nhà vua mang hoài bão muốn trở thành một người như vua Lê Thánh Tôn. Minh Mệnh thường nói với các cận thần trong triều đình: "Các vua đời trước của nước ta như là Lê Thánh Tôn cũng có thể gọi là vua hiền không phải đời nào cũng có được, trẫm hâm mộ".

Vua Minh Mệnh quan tâm đến việc học hành, khoa cử, tuyển chọn nhân tài. Ngay sau khi lên ngôi, năm 1821, cho mở trường Quốc Tử Giám để đào tạo nhân tài. Thời vua Gia Long chỉ có thi Hương. Năm 1822, vua Minh Mệnh mở khoa thi Hội, thi Đình để lấy Tiến sĩ. Đến năm 1829, nhà vua cho những người trúng cách được đỗ phó bảng. Thời trước cứ 6 năm mới tổ chức khoa thi, thời Minh Mệnh, 3 năm tổ chức một lần (Các năm: Tý, Ngọ, Mão, Dậu thi Hương. Các năm: Thìn, Tuất, Sửu, Mùi tổ chức thi Hội, thi Đình). Nhà vua còn đặt quan Đốc học ở Gia Định để khuyến khích việc học tập ở Nam bộ. Đồng thời, cho thành lập Quốc Sử Quán để tổ chức biên soạn lịch sử đất nước và các triều đại. Vua ban chiếu khuyến khích động viên ban thưởng cho những người tìm được sách cũ hay soạn sách mới hay. Từ đó, có nhiều nhà Nho, văn nhân trong nước dâng lên triều đình nhiều bộ sách quý.

Thời Gia Long, bộ máy tổ chức quan lại triều đình giống như nhà Lê. Vua Gia Long bỏ chức Tham tụng, Bồi tụng tương đương Tể tướng. Triều đình có 6 bộ (Lại, Hộ, Lễ, Binh, Hình, Công), mỗi bộ có 1 quan thượng thư đứng đầu và thị thư viện làm cơ quan trọng yếu tương tự như văn phòng của vua. Năm 1829, Minh Mệnh đổi Thị thư viện thành nội các, tuyển chọn quan tứ phẩm có năng lực ở các bộ, viện... đưa vào làm việc ở nội các. Đến năm 1834, nhà vua thành lập cơ quan Cơ mật viện. Đây là cơ quan chuyên trách quân cơ quan trọng của triều đình. Cơ quan được cơ cấu gồm 4 quan đại thần có thực tài và năng lực, Hàm từ Tam phẩm trở lên, được đeo kim bài đích thân Minh Mệnh tuyển chọn cùng với nhà vua giải quyết những công việc trọng đại của triều đình và đất nước.

Minh Mệnh áp dụng chính sách Trung ương tập quyền để giải quyết nạn cát cứ địa phương. Thời vua Gia Long, toàn quốc được chia ra làm 23 trấn, 4 doanh. Từ Thanh Hóa trở ra gọi là Bắc gồm có 11 trấn. Từ Bình Thuận trở vào Nam gọi là Gia Định Thành gồm 5 trấn. Ở Bắc Thành và Gia Định Thành đặt chức tổng trấn, phó tổng trấn để trông coi mọi việc. Trấn lại chia ra phủ, huyện, châu. Đến năm 1831, vua Minh Mệnh xác lập lại địa giới hành chính và cải cách hành chính quy mô trên cả nước. Vua bãi bỏ các trấn, chia cả nước làm thành 30 tỉnh và phủ Thừa Thiên (nơi có kinh đô thuộc Trung ương). Phía Bắc chia thành 18 tỉnh, gồm: Quảng Bình, Quảng Trị, Hà Tĩnh, Nghệ An, Thanh Hóa, Ninh Bình, Nam Định, Hà Nội, Hưng Yên, Hải Dương, Quảng Yên, Sơn Tây, Bắc Ninh, Tuyên Quang, Hưng Hóa, Thái Nguyên, Lạng Sơn, Cao Bằng. Phía Nam chia thành 12 tỉnh, gồm: Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Bình Thuận, Phiên An, Biên Hòa, An Giang, Vĩnh Long, Định Tường, Hà Tiên. Nhà vua đặt chức Tổng đốc, Tuần phủ, Bố chánh sứ, Án sát sứ và Lãnh binh để trông coi, quản lý các tỉnh. Tổng đốc thì lo toàn bộ công việc quân và dân tình trong tỉnh. Tuần phủ đảm trách việc chính trị, giáo dục, xã hội. Bố chính lo công tác thuế má, đinh điền, binh lính, thông báo các mệnh lệnh của triều đình. Án sát đảm trách việc hình luật, trạm dịch bưu truyền. Lãnh binh chuyên trách công việc quân sự, binh lính. Từ Tuần phủ trở xuống phải thực hiện mệnh lệnh của quan Tổng đốc. Chức Tổng đốc chỉ được bố trí ở những tỉnh có quy mô lớn. Còn lại các tỉnh chỉ đặt quan Tuần phủ làm quan đứng đầu tỉnh.

Công việc chia tỉnh và xác lập địa giới hành chính của các tỉnh trong cả nước từ thời Minh Mệnh đến sau này hơn 100 năm vẫn còn phù hợp trước sự phát triển của xã hội. Điều này cho thấy: Vua Minh Mệnh và những người tham gia việc xác lập địa giới hành chính các tỉnh có tầm nhìn sâu rộng. Địa giới, quy mô các tỉnh sau hơn 1 thế kỷ vẫn phù hợp với; yêu cầu phát triển, không bị lạc hậu trước những đổi thay, phát triển của xã hội và nhu cầu cuộc sống.

Cùng với những cải cách bộ máy tổ chức, chia địa giới phân định tỉnh, vua Minh Mệnh quy định lại chế độ tiền lương cho các quan, đặt chức tước, phẩm hàm từng vị trí công việc của các quan. Hệ thống thứ bậc các quan định từ chánh nhất phẩm đến tòng cửu phẩm cách nhau 18 bậc. Tiền lương cũng chênh lệch khoảng cách từ 18 đến 20 lần. (Cụ thể lương bổng đồng niên và tiền xuân phục của quan chánh nhất phẩm là 400 quan tiền, 300 phương gạo, tiền xuân phục là 70 quan. Lương của quan cửu phẩm gồm 18 quan tiền, 16 phương gạo và tiền xuân phục là 4 quan...).

Nhằm động viên các quan hoàn thành tốt nhiệm vụ, có nếp sống lành mạnh. Đồng thời, phòng chống tệ nạn nhũng nhiễu tham nhũng, Minh Mệnh cho thành lập quỹ Dưỡng liêm để khen tặng cho các quan thanh liêm từ 20 quan đến 50 quan tùy theo cương vị khác nhau. (Cụ thể như Tri phủ thanh liêm, hoàn thành tốt nhiệm vụ được thưởng 50 quan; Tri huyện, Tri châu được thưởng 40 quan...).

Về kinh tế, đất nước ta là chủ yếu sản xuất nông nghiệp. Nhân dân phần lớn là nông dân. Vua rất quan tâm đến sản xuất nông nghiệp. Trong thời gian ở ngôi, vua Minh Mệnh đã thực hiện hoàn chỉnh hệ thống đê điều ở miền Bắc. Đặt quan khuyên nông, tổ chức khai hoang ven biển ở miền Bắc, lập ra 2 huyện mới là Kim Sơn và Tiền Hải. Nhà vua đã chỉ đạo phá bỏ đê phía Nam Hà Nội, đào sông thoát lũ ở Cửu An, Hưng Yên. Công cuộc khai hoang và các công trình thủy lợi ở miền Nam cũng được đẩy mạnh. Nhằm phát triển kinh tế, Minh Mệnh là vua có những chính sách khuyến nông, với những biện pháp thưởng phạt hữu hiệu, nhất là công cuộc khẩn hoang. Cụ thể: Nếu xã trưởng, lý trưởng khai hoang được 20 đến 50 mẫu ruộng được thưởng "ngân tiền Phi Long" lớn nhỏ mỗi thứ 3 đồng, cộng thêm 4 quan tiền... Đối với chánh phó tổng, tri phủ, tri huyện, tổng đốc, tùy theo số diện tích ruộng khai hoang được hưởng theo mức độ khác nhau. Ngược lại, nếu ruộng đất bị bỏ hoang hóa, các quan chức tùy theo hàm, tước và số diện tích bị bỏ hoang sẽ bị kỷ luật, xử phạt rất nặng. Cụ thể với tri phủ, tri huyện bỏ hoang từ 100 đến 200 mẫu ruộng bị phạt 6 tháng lương. Đối với quan đầu tỉnh, nếu bỏ hoang dưới 1% diện tích ruộng đất bị phạt 3 tháng lương. Triều Minh Mệnh tổ chức vận động cả nước khai khẩn đất đai. Nhân dân được tự do khai khẩn ruộng đất nơi triều đình yêu cầu hoặc tự chọn. Và, triều đình tổ chức khẩn hoang giao lại cho dân canh tác. Diện tích khai hoang, sau 3 năm triều đình mới thu thuế. Triều đình còn khuyến khích khen thưởng cho những ai chiêu mộ được 30 người khai hoang thì được làm ấp trưởng, chiêu mộ 50 người thì làm lý trưởng, 20 người thì được làm trại trưởng. Nếu làng, ấp, trại phát triển, người có công được xếp vào hàng vọng tộc, thế gia. Nhân dân tham gia khai khẩn ruộng đất được, cứ 5 người, được triều đình cấp 1 con trâu, 1 cái bừa, 1 cái cày, 1 cái cuốc, 1 cái thuổng.

Năm 1836, nhà vua cho kiểm kê đạc điền toàn bộ diện tích ruộng đất ở Nam kỳ. Đồng thời, quy định lại thuế điền thổ trong cả nước. Minh Mệnh cũng định ra thuế muối. Cứ mỗi ruộng muối đồng niên phải nộp thuế bằng muối từ 6 đến 10 phương muối (mỗi phương trị giá bằng 3 tiền đến 4 tiền 30 đồng). Dân Tàu sang nước ta lập hương ấp gọi là Minh Hương. Mỗi người phải nộp thuế 2 lạng bạc. Người Tàu buôn bán ở nước ta, mỗi năm phải đóng 6 quan 5 tiền. Người nào không có khả năng nộp thì thu một nửa, quy định sau 3 năm thì chiếu lệ thu cả thuế.

Song song với những cải cách về chính trị, kinh tế, vua Minh Mệnh còn chú trọng đến lĩnh vực văn hóa và phong tục. Nhà vua còn biên soạn 10 điều Huấn dụ để giáo dục nhân dân sống đúng đạo lý, chăm lo lao động, sống tiết kiệm, lành mạnh, giữ gìn và phát huy những phong tục tốt đẹp của dân tộc. 10 điều huấn dụ của nhà vua nêu rõ: "Trọng tam cương ngũ thường, làm việc tốt, giữ bản thân và tâm hồn trong sạch, chăm lo nghề nghiệp, chuộng tiết kiệm, giữ phong tục thuần hậu, dạy bảo con em, chuộng học chính đạo, răn tránh những điều gian tà, dâm dục. Cẩn trọng giữ gìn pháp luật, cộng sự làm lành".

Minh Mệnh còn là vị vua chú trọng đến thời trang và cách tân y phục. Năm 1827, vua ban chiếu bắt buộc phụ nữ phải mặc quần có đáy (quần 2 ống), áo thì mô phỏng áo dài người Chăm và áo dài xẻ của người Trung Hoa để chế ra trang phục áo dài giống như áo dài ngày nay. Việc bắt buộc cách tân quần cho nữ giới, ban đầu đã gặp ý kiến chống đối được thể hiện qua hò vè, ca dao:

"Tháng Chín có chiếu vua ra (*)
Cầm quần không đáy người ta hãi hùng
Không đi thì chợ không đông
Đi ra bóc lột quần chồng sao đang
Có quần ra đứng bán hàng
Không quần, không đứng đầu làng trông quan".

((*): Có bản truyền ghi: Tháng Chạp, có bản ghi tháng Tám)

Việc này cho thấy: Thời nào và ngay các thời hiện đại cũng vậy, việc cải tiến y phục, cách tân thời trang, lúc đầu đều có đông đảo người ủng hộ cũng như chống đối, bài xích.

Minh Mệnh không chỉ chăm giáo dục con dân, nhà vua còn lo cho đời sống người nghèo khổ. Vua đã truyền lệnh cho các quan ở các tỉnh phía Bắc xây dựng nhà Dưỡng Tế. Những người lớn tuổi, cô đơn, nghèo khó, tàn tật không nơi nương tựa được đưa đến nhà Dưỡng Tế để sống. Mỗi ngày, những người sống ở nhà Dưỡng Tế được Triều đình cấp 20 đồng tiền và nửa bát quan đồng gạo.

Công việc quốc phòng là nhân tố quyết định đến an ninh trật tự của triều đình, đất nước và chủ quyền quốc gia. Vua Minh Mệnh chú trọng đến việc xây dựng lực lượng quân đội để chủ động phòng bị khi có biến cố. Lực lượng quân đội gồm có bộ binh, thủy binh, kỵ binh và pháo thủ binh. Bộ binh gồm có kinh binh, cơ binh. Kinh binh được chia ra Doanh, Vệ, Đội để đóng giữ ở kinh thành và điều động đóng giữ ở các tỉnh. Mỗi doanh có 5 vệ, mỗi vệ có 10 đội, mỗi đội có 50 người do đội trưởng cai quản. Trang bị của mỗi vệ có 2 khẩu súng thần công, 200 khẩu điểu thương. Cơ binh là lính riêng của tỉnh, được chia ra Cơ và Đội. Tượng quân chia ra thành Đội. Mỗi đội 40 con voi chiến. Riêng ở kinh thành có 150 voi chiến. Thủy quân có 15 vệ, chia làm 3 doanh. Thời Minh Mệnh rất coi trọng thủy binh. Những bờ biển trọng yếu được xây dựng đồn trấn giữ và thường xuyên luyện tập thủy quân và chiến thuyền.

Minh Mệnh chú trọng đến xây dựng lực lượng quân đội và quốc phòng. Vua còn lập ra trường Giáo dưỡng binh cho con em các võ quan vào học, cấp lương bổng và cử các quan dạy võ nghệ, quân sự.

Năm 1827, quân Xiêm xâm chiếm nước Lào. Vua Minh Mệnh lệnh cho quan Thống chế Phan Văn Thúy đem lực lượng bộ binh và tượng binh sang giúp Lào, đẩy lui quân Xiêm.

Năm 1833, nhân cơ giúp Lê Văn Khôi chống lại triều đình, nước Xiêm đưa quân vào nước ta. Minh Mệnh sai tướng Trương Minh Giảng và Nguyễn Xuân đánh bại quân Xiêm. Đồng thời, lệnh cho Trương Minh Giảng và Nguyễn Xuân tiến quân vào Nam Vang truy đánh quân Xiêm và bảo hộ Cao Miên. Năm 1834, vua sai Lê Văn Đức làm Khâm Sai đại thần cùng với tướng Trương Minh Giảng và Doãn Uẩn đóng quân ở Cao Miên và bảo hộ cả Cao Miên và Ai Lao.

Trong thời kỳ này Việt Nam là một quốc gia lớn mạnh so với các nước trong khu vực. Năm 1838, vua Minh Mệnh đổi tên nước Việt Nam thành Đại Nam thể hiện sự hưng thịnh của đất nước và triều đại. Vua Minh Mệnh cho đúc 9 cái đỉnh bằng đồng gọi là cửu đỉnh tượng trưng cho sự bền vững trường cửu của triều đại. Trên mỗi cái đỉnh đồng, nhà vua cho khắc danh lam thắng cảnh tiêu biểu của đất nước từ Bắc vào Nam. Chín cái đỉnh đó là:

1/ Cao đỉnh nặng 2.601 kg, cao 2,02 mét, miệng rộng 1,61 mét.

2/ Nhân đỉnh nặng 2.496 kg, cao 1,8 mét, miệng rộng 1,33 mét.

3/ Chương đỉnh nặng 2.083 kg. 4/ An đỉnh nặng 2.557 kg.

5/ Nghị đỉnh nặng 2.524 kg.

6/ Thuận đỉnh nặng 1.938 kg.

7/ Tuyên đỉnh nặng 2.053 kg.

8/ Dũ đỉnh nặng 2.047 kg.

9/ Huyền đỉnh nặng 1.950 kg.

Các đỉnh: Chương đỉnh, An đỉnh, Nghị đỉnh, Thuận đỉnh, Tuyên đỉnh, Dũ đỉnh, Huyền đỉnh có chiều cao và miệng rộng giống Nhân đỉnh.

Bên cạnh những cải cách về bộ máy chính trị, kinh tế, quân sự, văn hóa và giáo dục đạt được những thành tựu đưa vị thế của đất nước và triều Nguyễn lớn mạnh. Vua Minh Mệnh cũng không tránh khỏi những hạn chế nhất định. Đó là việc nhà vua ảnh hưởng nặng nề nước Trung Hoa, nếu không muốn nói là thuần phục. Trong khi đó, đến triều Minh Mệnh thì ở Trung Hoa vua Càn Long đã qua đời, các triều Thanh Nhân Tông - Gia Khánh và Thanh Tuyên Tông - Đạo Quang nước Trung Hoa đã suy yếu, phân hóa và nhiều hủ bại, bảo thủ, lạc hậu. Vua Minh Mệnh đã có chủ trương bế môn tỏa cảng, cấm đạo Thiên Chúa hoạt động. Từ năm 1822, Minh Mệnh đã ra lệnh cấm người các nước phương Tây vào nước ta buôn bán. Và, cấm triệt để cả nước buôn bán giao thương hợp tác với người các nước phương Tây. Đến năm 1825 thì ban bố lịnh cấm đạo Thiên Chúa hoạt động. Các giáo sĩ Thiên Chúa giáo người phương Tây, người Pháp không được hoạt động truyền đạo tại Việt Nam và cấm dân theo đạo. Nhà vua đã ra chỉ dụ: "Đạo phương Tây là tà đạo, làm mê hoặc lòng người, hủy hoại phong tục, cho nên phải nghiêm cấm để khiến người ta phải theo chính đạo".

Đành rằng để bảo vệ chủ quyền đất nước, bảo vệ vương quyền, Minh Mệnh phải cảnh giác với âm mưu xâm lược đất nước ta. Có những giáo sĩ làm tay sai cho chính quyền Pháp đi xâm lược. Nhưng, nhìn chung phần đông giáo sĩ và giáo dân Thiên Chúa chỉ phụng đạo. Tiếc rằng, Minh Mệnh và các quan trong triều đình không phân biệt được ai là "người đội lốt tôn giáo", có ý đồ xấu với đất nước để mà phân biệt, đề ra biện pháp, cách đối phó hữu hiệu.

Chính sách bế môn tỏa cảng, không giao thiệp với các nước phương Tây và cấm đạo Thiên Chúa của Minh Mệnh và triều đình là bảo thủ, tự cô lập Việt Nam đối với thế giới. Và, chủ trương cấm đạo là tạo ra tình trạng mất đoàn kết trong nội bộ nhân dân, làm suy yếu sức mạnh của đất nước và dân tộc. Tiếc rằng, chủ trương này còn kéo dài đến các triều vua sau này. Đây là những yếu kém của Minh Mệnh và cả triều đình nhà Nguyễn đã làm cho đất nước chậm phát triển, ảnh hưởng đến các thời kỳ sau này.

Tác giả: Lê Ngọc Trác

Tài liệu tham khảo và trích dẫn:

1/ Việt Nam sử lược của Trần Trọng Kim (NXB Văn hóa Thông tin - 1999)

2/ Lược sử Việt Nam của Trần Hồng Đức (NXB Văn hóa Thông tin - 2009)

3/ Vương triều cuối cùng của Phạm Minh Thảo (NXB Văn hóa Thông tin - 2007)

☀ Xem thêm nhiều bài thuyết minh tại: http://citytourdanang.com/lich-su-van-hoa  hoặc về lai TRANG CHỦ của BLOG NÀY

☀ Nếu bạn quên địa chỉ này hãy lên google gõ "tài liệu thuyết minh du lịch" bạn sẽ thấy trang này đầu tiên.

No comments: