Tuesday, August 22, 2017

Hậu cung triều Nguyễn.

Hậu cung ba ngàn giai lệ là chủ đề muôn thủa của các nhà văn cũng như các nhà làm phim về các triều đại Phong kiến đã từng tồn tại trong lịch sử của loài người. Mặc dù chỉ là những nữ nhân chốn khuê phòng nhưng các thủ đoạn minh tranh ám đấu đã biến chốn hậu cung trở thành một chiến trường kẻ chết người sống, không có một ngày bình yên. Một Võ Tắc Thiên của triều đại nhà Đường Trung Quốc đã từ vị trí là một Tài Nhân trở thành nữ hoàng đế duy nhất trong lịch sử Trung Quốc. Một Từ Hi Thái Hậu, người nắm quyền lực thực tế trong hơn 40 năm của triều đại Mãn Thanh – triều đại cuối cùng của chế độ phong kiến Trung Quốc.

Các bà phi phụng thờ hương khói tại lăng Thiệu Trị. Ảnh tư liệu.
Xem thêm:
  1. Click tham gia Group Tài Liệu Thuyết Minh Du Lịch
  2. Click Đăng ký theo dõi Kênh Youtube (Tour Guide Channel) dành cho Hướng dẫn viên 
  3. Bài Thuyết minh về Đại Nội Huế 
  4. Tư liệu Thuyết minh về Cửu Đỉnh 
  5. Thuyết minh về thánh địa Mỹ Sơn 
Cửa cung sâu như biển, bước chân vào thì không mong có ngày ra nhưng vì tham vọng quyền lực, ước mong cuộc sống xa hoa, biết bao nữ nhân Trung Quốc đã trở thành quân cờ, là thảm lót đường để những người như Võ Tắc Thiên, Từ Hi Thái hậu... bước lên ngôi cao, sống cuộc sống vinh hoa phú quý cho đến cuối cuộc đời. Ngoài Võ Tắc Thiên và Từ Hi Thái Hậu, các triều đại Phong kiến Trung Quốc còn có nhiều nữ nhân nổi tiếng với việc sử dụng các thủ đoạn ác độc, lủng đoạn hậu cung để nắm quyền như Lữ Hậu, hoàng hậu đầu tiên đời nhà Hán - vợ Hán Cao Tổ Lưu Bang (202 - 195 TCN), Triệu Phi Yến - vợ Hán Thành Đế (33–7 TCN)... 

So với Trung Quốc, nữ nhân chốn hậu cung của các triều đại phong kiến Việt Nam tuy không nổi tiếng bằng nhưng cũng không hiếm những người có tài trị quốc an dân, chẳng kém các đấng mày râu, góp nhiều công sức vì giang sơn tổ quốc. Một Dương Vân Nga - hoàng hậu của 2 triều đại người đã góp phần tạo nên nhà Tiền Lê (980-1009) trong lịch sử Việt Nam (Dương Vân Nga là vợ của vua Đinh Tiên Hoàng, sau trở thành hoàng hậu của vua Lê Đại Hành. Bà đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong việc chuyển giao quyền lực từ nhà Đinh sang nhà Tiền Lê). Một Nguyên phi Ỷ Lan - vợ vua Lý Thánh Tông, hai lần nhiếp chính, sử dụng tài trí để ổn định và phát triển đất nước. Là một tài nữ được người đời ca tụng, nhưng trong cuộc đấu tranh chốn hậu cung, Nguyên phi Ỷ Lan cũng không tránh khỏi vết nhơ, đó là việc giết chết Thái hậu Thượng Dương và 76 người thị nữ. Trong những năm cuối cuộc đời, bà rất hối hận vì việc này nên đã cho xây dựng nhiều chùa Phật để sám hối, rửa oan (Đại Việt sử ký toàn thư, tập I, Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội, 1993, tr. 277, 286).

Đến thời Nguyễn (1802-1945), triều đại phong kiến cuối cùng ở Việt Nam, thứ bậc của các phi tần chốn hậu cung được sắp xếp theo khuôn mẫu chung của các triều đại phong kiến, tuy vậy cũng có một vài sự thay đổi tùy theo từng triều vua.

Vào đầu thời Nguyễn, phi tần hậu cung được quy định theo thứ bậc như sau: “Lúc quốc sơ định lệ cung giai: 3 Phi là Quý phi, Minh phi, Kính phi. 3 Tu là Tu nghi, Tu Dung, Tu viện. 9 Tần là Quý tần, Hiền tần, Trang tần, Đức Tần, Thục tần, Huệ tần, Lệ tần, An tần, Hòa tần. 3 Chiêu là Chiêu nghi, Chiêu dung, Chiêu viện. 3 Sung là Sung nghi, Sung dung, Sung viện. 6 chức là Tiệp dư, Dung hoa, Nghi nhân, Tài nhân, Linh nhân, Lương nhân” (Nội các triều Nguyễn, Khâm định Đại Nam Hội điển Sự lệ, Nhà xuất bản Thuận Hóa Huế 1993, Tập 6, tr. 163).

Đến năm Minh Mạng thứ 17 (1836), nhà vua lại có chỉ dụ để đặt lại thứ bậc của hậu cung như sau: “….Nay châm chước việc người xưa đã làm, đặt làm 9 bậc ở Nội cung: đặt một Hoàng quý phi ở trên bậc nhất, để giúp Hoàng thái hậu trông coi lương thực ở trong cung, chỉnh tề công việc bên trong. Lại đặt Quý phi, Hiền phi, Thần phi làm bậc nhất, Đức phi, Thục phi, Huệ phi làm bậc nhì. Quý tần, Hiền tần, Trang tần làm bậc ba. Đức tần, Thục tần, Huệ tần làm bậc 4. Lệ tần, An tần, Hòa tần làm bậc 5. Tiệp dư làm bậc 6, Quý nhân làm bậc 7, Mỹ nhân làm bậc 8, Tài nhân làm bậc 9. Khiến cho trong chốn khuê môn được trật tự phân minh, để tỏ phong hóa tôn nghiêm, tuân theo mãi mãi. 

Lại xuống dụ: Trước đã chuẩn định nội cung 9 bậc, trong đó Đức phi, nay đổi làm Gia phi” (Khâm định Đại Nam Hội điển Sự lệ, sđd, tr. 164).

Năm Minh Mạng thứ 19 (1838) nhà vua lại có chỉ dụ thay đổi vị trí của bậc 5 như sau: Nguyên trước định lệ cung giai, Lệ tần, An tần, Hoà tần cùng là bậc 5, nay đổi làm An tần, Hoà tần, Lệ tần
Cũng trong năm này, danh xưng của các phi tần trong 9 bậc lại có sự thay đổi như sau: Quý phi, Đoan phi, Lệ phi là nhất giai; Thành phi, Tính phi, Thục phi là nhị giai; Quý tần, Lương tần, Đức tần là tam giai. Huy tần, Ý tần, Nhu tần là tứ giai. Nhân tần, Nhã tần, Thuận tần là ngũ giai; Tiệp dư là lục giai; Quý nhân là thất giai; Mỹ nhân là bát giai; Tài nhân là cửu giai.

Đến năm Thiệu Trị thứ 3 (1846), nhà vua lại có chỉ dụ: Đoan phi cho đổi làm Lương phi, thuộc nhất giai, chữ “lương” ở bậc tam giai đã đưa tấn phong cho bậc nhất giai thì Lương tần đổi làm Thụy tần thuộc tam giai (Khâm định Đại Nam Hội điển Sự lệ, sđd, tr. 166, 167).

Sang năm Tự Đức thứ 3 (1850), một lần nữa nhà vua đã định lại thứ bậc và tước vị hậu cung: …thứ bậc trong cung, cũng nên định rõ cấp bậc về Hoàng quý phi trở lên, đã có lệ sẵn, từ phi tần trở xuống, thì chuẩn cho đặt làm Thuận phi, Thiện phi, Nhã phi là bậc nhất; Cung phi, Cần Phi, Chiêu phi là bậc nhì; Khiêm tần, Thận tần, Nhân tần, Thái tần là bậc 3; Khoan tần, Giai tần, Tuệ tần, Giản tần làm bậc 4; Tĩnh tần, Cẩn tần, Tín tần, Uyển tần là bậc 5; Tiệp dư là bậc 6; Quý nhân là bậc 7; Mỹ nhân là bậc 8; Tài nhân bậc là 9 (Đại Nam Thực Lục, NXB Giáo dục 2007, Tập 7, tr.165).

Mặc dù, hậu cung dưới thời nhà Nguyễn được phân làm 9 bậc, nhưng số lượng nữ nhân chốn hậu cung thời bấy giờ cũng không phải là nhiều lắm. Vua Minh Mạng là người có số lượng vợ và con nhiều nhất trong số các vị vua triều Nguyễn (vua Minh Mạng có 43 bà phi vợ sinh 162 người con được ghi chép vào Nguyễn Phúc tộc Thế phả), nhưng dưới thời Minh Mạng vào giai đoạn cao điểm, nữ nhân chốn hậu cung, kể cả nữ quan và cung nữ, cũng không quá 200 người.

Lịch sử đã từng ghi nhận hai trận thiên tai lớn (hạn hán và lụt bão) xảy ra ở Kinh đô Huế dưới thời vua Minh Mạng, đã làm ảnh hưởng đến số lượng nữ nhân chốn hậu cung. 

Vào năm Minh Mạng thứ 6 (1825), khi hạn hán xảy ra, nhà vua đã cho rằng đây là do âm khí uất tắc nên đã ra chỉ dụ: 

Thả Cung nữ ra. Vua thấy đại hạn lấy làm lo, bảo Thượng bảo khanh Hoàng Quýnh rằng: “Hai ba năm nay đại hạn luôn, trẫm nghĩ chưa rõ vì cớ gì. Hay vì con gái bị giam hãm trong cung nhiều, nên âm khí uất tắc mà đến thế chăng? Nay đàn bà con gái trong cung cũng không nhiều lắm, song tạm lựa cho ra 100 người, may ra tai biến bớt chăng”(Đại Nam thực lục , NXB Giáo dục năm 2004, Tập 2, trang 395).

Đến năm Minh Mạng thứ 9 (1828), lụt lớn đã xảy ra ở Kinh đô, âm khí u uất cũng lại trở thành nguyên nhân lo lắng của nhà vua: 

Kinh kỳ lụt to, mặt đất sâu hơn 10 thước, nhà cửa của dân bị trôi nhiều chết đuối hơn 60 người....
Vua nhân bảo Bộ Lễ rằng: “Từ trước đến nay lụt mùa thu, chưa bao giờ ghê như thế. Nước là tượng âm, hoặc giả âm khí u uất mà thành ra thế chăng? Hiện nay cung nhân có danh vị chỉ có 16, 17 người. Tất cả các ban chưa quá 100 người, đủ để sai khiến trong cung mà thôi. Trời báo tai như thế, có phải là sự ngẫu nhiên đâu? Trẫm nửa đêm thức dậy, quanh giường bàng hoàng, tự trách lỗi mình mong sao cho hồi được lòng trời mà khỏi tai biến”(Đại Nam thực lục , NXB Giáo dục năm 2004, Tập 2, tr. 768). 

Chỉ với hai sự kiện nêu trên, có thể thấy rằng vào thời thịnh trị của nhà Nguyễn, nữ nhân chốn hậu cung so với các triều đại Phong kiến Trung Quốc chỉ là những hạt muối bỏ biển. Và cũng chắc chắn rằng, sau các sự kiện nêu trên, số lượng nữ nhân gia nhập hậu cung sẽ được hạn chế hơn trước.
Với 143 năm tồn tại (1802-1845), hậu cung triều Nguyễn và những câu chuyện thâm cung bí sử hầu như không được sử sách ghi chép nhưng lại được biết qua những câu chuyện truyền miệng của các nhân vật đã từng sống cùng thời điểm hoặc sống trong hậu cung. Ở Huế từng truyền tụng câu ca dao:


Ngọ Môn năm cửa chín lầu,

Một lầu vàng tám lầu xanh,

Ba cửa thẳng hai cửa quanh,

Sinh em ra làm phận gái,
Chớ nên hỏi chốn kinh thành mà làm chi.

Đã mang thân phận nữ nhi thì không nên biết đến chốn kinh thành, hay chính xác hơn là không nên vì vinh hoa phú quý, quyền cao chức trọng mà như những con thiêu thân lao vào hậu cung của các bậc đế vương để đổi lấy một cuộc sống lắm tai ương, bất trắc. Bước vào hoàng cung là những thiếu nữ thanh xuân, tuổi trẻ, thiện lương còn bỡ ngỡ trước cuộc đời. Tuy nhiên, cuộc sống đầy âm mưu thủ đoạn của chốn cung cấm đã biến những thiếu nữ thanh thuần trở thành những người lắm mưu, nhiều kế, tay dính máu tanh. Thậm chí là một cuộc sống cô đơn, buồn bã, đánh mất cả tuổi thanh xuân vì không được ân sủng của nhà vua. 

Cung phi của các vị vua triều Nguyễn hầu hết đều là con gái của các vị quan trong triều đình. Sự hậu thuẫn của gia tộc cũng chính là một trong những nguyên nhân để các bà trong cung Nguyễn nhận được sự sủng ái của các bậc đế vương. Những cuộc hôn nhân này cũng chính là sự cân bằng quyền lực giữa các thế lực trong triều, nhằm ổn định tình hình chính trị của quốc gia. Cho dù mục đích phía sau của những cuộc hôn nhân này là gì thì hầu hết những cô gái này đã đánh đổi tuổi thanh xuân và nước mắt của họ để đổi lấy một cuộc sống hoặc là quyền cao chức trọng, mẫu bằng tử quý, hoặc là cô đơn, phòng không gối chiếc cho đến cuối cuộc đời. Những người con gái một khi đã bước chân vào cung cấm thì chỉ có đi mà không thể trở lại. Cả cuộc đời, cả số phận, dù hạnh phúc hay bất hạnh, dù quyền cao chức trọng hay cô đơn chiếc bóng, ảo não u buồn... tất cả chỉ phụ thuộc vào một người duy nhất: hoàng đế!


“Một ngày dựa mạn thuyền rồng

Cũng bằng muôn kiếp sống trong thuyền chài”

Cũng bởi ước mong được một ngày dựa mạn thuyền rồng, mà những bi kịch, những tiếc nuối và cả những ai oán của các nữ nhân chốn hậu cung vẫn cứ mãi tiếp diễn. Có những người được vua sủng ái thì hưởng tột đỉnh vinh quang, hạnh phúc nhưng cũng có những người mang nỗi buồn cô đơn, không thể than thở cùng ai. Những phi tần dù được nhà vua sủng hạnh hay chưa được sủng hạnh, nhưng khi vua băng hà cũng phải theo nhà vua đến nơi an nghỉ cuối cùng để phụng thờ hương khói cho đến cuối cuộc đời. Ở Huế còn có câu thành ngữ “đưa con vô Nội” để chỉ thân phận của các cô gái chốn cung cấm, một khi đã bước vào cung thì không mong ngày trở ra. Đưa con vô Nội lâu ngày đã trở thành một câu nói cửa miệng của người Huế khi nói đến một sự việc có đi mà không có lại, cũng giống như đưa con vô Nội là không mong có ngày gặp lại. Có một số cung phi chỉ thực sự bước chân ra khỏi cung cấm sau khi triều Nguyễn cáo chung và sống lặng lẽ cho đến cuối cuộc đời. Một số sau khi ra khỏi cung tuy vẫn là gái tân nhưng tuổi trẻ và thời thanh xuân thì đã gởi lại trong Tử Cấm Thành. 

Nhà Nguyễn cũng đặt ra các quy định chăm sóc sức khỏe cho các cung nữ. Khi đau yếu, bệnh tật, họ phải ra khỏi hoàng cung để dưỡng bệnh tại Bình An Đường. Hiện nay, trong hệ thống kiến trúc triều Nguyễn có hai nhà Bình An Đường, một ở bên ngoài, góc Đông Bắc Hoàng Thành (đường Đặng Thái Thân) và một ở bên ngoài lăng Tự Đức, gần cửa Vụ Khiêm. Hai nhà Bình An Đường này là nơi dưỡng bệnh (nếu bệnh nhẹ) và chờ chết (nếu bệnh nặng) của các Thái giám và cung nữ chốn hậu cung thời kỳ nhà Nguyễn. Bình An Đường bên ngoài Hoàng Thành đã được trùng tu vào năm 2003 nhưng Bình An Đường của Lăng Tự Đức hiện chỉ còn dấu vết của la thành và một cổng vào còn khắc dòng chữ Bình An Đường Môn. 

Phía sau khuôn viên Bình An Đường Lăng Tự Đức, hiện vẫn còn 15 ngôi mộ của các bà vợ vua Tự Đức với nhà bia và la thành bao quanh, dân địa phương gọi đây là khu lăng mộ 15 Liếp (hay mộ các bà). Khu lăng mộ này hầu như bị bỏ hoang, hương khói của khu lăng mộ đều do người dân chung quanh phúng viếng, thỉnh thoảng cũng có thân nhân và người trong hoàng tộc Nguyễn đến thăm viếng. Trong 15 ngôi mộ ở tại đây, chỉ có 02 ngôi mộ là được thân nhân đến tu sửa, bảo dưỡng. Hương tàn, khói lạnh là thực trạng của khu lăng mộ các bà theo phụng thờ hương khói khi vua Tự Đức băng hà. Sống thì phòng không gối chiếc, chết lại mồ hoang cỏ lạnh là số phận của không ít nữ nhân chốn hậu cung thời nhà Nguyễn.

Cổng vào Bình An Đường-lăng Tự Đức
Bên trong khu lăng mộ 15 liếp
Sử sách Việt Nam hầu như không ghi chép về những cuộc tranh giành quyền lực ở chốn hậu cung. Hiếm hoi lắm chúng ta mới thấy được một đoạn hồi ký của Michel Đức Chaigneau trong cuốn Souvenir de Hué cho biết một vài chi tiết sinh động về mối quan hệ giữa các phi tần trong cung cấm dưới thời vua Gia Long. Nữ nhân ở hậu cung thời điểm bấy giờ chưa phải là nhiều lắm (nhà vua có 21 bà vợ có con và được ghi chép vào Nguyễn Phúc tộc Thế phả), nhưng cũng làm cho nhà vua đau đầu, đến nỗi nhà vua phải than thở “Trị nước thật dễ dàng, không khó nhọc bằng trị chốn nội cung của mình”. 

Trong một cuộc gặp gỡ với Michel Đức Chaingeau, nhà vua đã tâm sự: “Khanh tưởng rằng sau khi bãi triều, thanh toán xong mọi việc chính trị và hành chính trong ngày là công việc của trẫm đã xong và thế là trẫm có thể nghỉ ngơi trong hậu cung sao? Khanh lầm đó. Khanh không thể tưởng cái gì đang chờ đợi Trẫm ở đấy (vua chỉ về phía hậu cung) sau khi trẫm ra khỏi nơi này. Ở đây, Trẫm hài lòng vì được nói chuyện với những người hiểu biết, họ lắng nghe trẫm, hiểu biết trẫm và khi cần thì vâng lời Trẫm! Vào trong ấy, Trẫm gặp phải những con quỷ dữ. Chúng gây gổ, đánh đập nhau, cấu xé nhau… rồi sau cùng kéo nhau đến đòi Trẫm phân xử. Nếu làm đúng thì Trẫm phải trị tội cả bọn họ, vì trẫm không biết ai sẽ nhường nhịn ai trong cơn giận dữ!”

Sau một hồi im lặng, vua Gia Long nói tiếp: “Này đây, một chốc nữa, Trẫm sẽ phải đứng giữa một bầy quỷ cái, chúng nó sẽ gào thét làm Trẫm điếc cả tai”(Michel Đức Chaigneau, Souvenirs de Hué, Éditions typhon, Shanghai 1941, pp. 98-99).

Những vấn đề mà vua Gia Long đã tâm sự ở trên chỉ là những việc cãi vã công khai (minh tranh) để tranh giành sự sủng ái của các bậc đế vương. Phía sau những cuộc cãi vã này hẳn là không thiếu những thủ đoạn độc ác, tinh vi (ám đấu) nhằm loại trừ nhau của những bóng hồng nhiều tham vọng muốn làm chủ chốn hậu cung. Để minh chứng phần nào cho nhận định này, chúng tôi đã làm một thống kê nhỏ qua Nguyễn Phước tộc thế phả (Nguyễn Phúc tộc Thế phả, Nhà Xuất bản Thuận Hoá Huế 1993) và thấy như sau:

- Vua Gia Long có 31 người con (13 hoàng tử và 18 công chúa) thì số lượng mất sớm là 06 người (01 Tảo thương, 05 mất sớm), chiếm tỷ lệ 19,35%.
- Vua Minh Mạng có 142 người con (78 hoàng tử và 64 công chúa) thì có đến 30 người mất khi đang còn là bào thai hoặc lúc tuổi còn nhỏ (13 Tảo thương, 17 mất sớm), chiếm tỷ lệ 21,12%.
- Vua Thiệu Trị có 64 người con (29 hoàng tử và 35 công chúa) thì số lượng con mất sớm là 28 người (05 Tảo thương, 23 mất sớm), chiếm tỷ lệ 43,75%.
- Và đến đời Tự Đức thì nhà vua thể chất yếu nhược, không có khả năng sinh con nối dõi và cũng đến thời điểm này sự truyền thừa của dòng trưởng (con vợ chính) triều Nguyễn xem như chấm dứt.

Chỉ tính riêng 3 vị vua đầu triều Nguyễn, ở vào thời thịnh trị nhất, ta thấy hiện tượng các hoàng tử, công chúa chết non khi đang còn là bào thai (tảo thương) hoặc mất sớm, theo thời gian ngày càng tăng. Liệu rằng trong những số phận bất hạnh ấy, có ai là nạn nhân của những vụ “ám đấu” để tranh giành quyền lực ở chốn hậu cung?

Đến đời Tự Đức thì nhà vua thể chất yếu nhược, không có khả năng sinh con nối dõi và cũng đến thời điểm này sự truyền thừa theo dòng trưởng (con người vợ chính) của triều Nguyễn xem như chấm dứt.
Việc vua Tự Đức không có con nối dõi phải chăng cũng là hậu quả của cuộc đấu tranh chốn hậu cung? Việc không có con nối dõi vẫn là nỗi lo canh cánh của nhà vua trong suốt cuộc đời: “Trẫm đức bạc, tuổi trẻ, sớm nối nghiệp lớn, khốn nỗi tư bẩm bạc nhược, vận mệnh kiển bĩ, việc nhiều, lỗi nặng, bệnh tật liên miên, lại không biết cách tu luyện của Hoàng đế, Lão tử, Kỳ Bá, Biển Thước, nên con nối muộn hiếm, không được yên lòng về việc lập Thái tử và sự vui về bà chơi với cháu, tội ấy không còn tội gì to hơn ! Rất tự lấy làm sợ hãi, hổ thẹn”(Đại Nam Thực Lục, NXB Giáo dục 2007, Tập 7, tr.1200).

Sau khi vua Tự Đức băng hà (ngày 19 tháng 7 năm 1883), triều đình nhà Nguyễn bước vào giai đoạn khủng hoảng. Pháp đã đặt xong nền móng của chủ nghĩa thực dân tại Việt Nam, ngai vàng và các vua kế vị cũng gặp nhiều thay đổi. Chỉ trong 4 tháng (từ tháng 7 đến tháng 11 năm 1883), ngai vàng triều Nguyễn đã 3 lần đổi chủ: Dục Đức-Hiệp Hòa-Kiến Phúc. Đây là thời điểm kinh đô Huế tồn tại hai chính thể cai trị - thực dân Pháp và triều đình phong kiến Nguyễn và cũng là giai đoạn mà các vị vua nối ngôi liên tục thay đổi.

Do sự bất ổn về triều chính, hậu cung triều Nguyễn giai đoạn này cũng im hơi lặng tiếng. Các bậc đế vương về sau như Khải Định (chỉ có duy nhất một con trai), Bảo Đại khi ở ngôi vua chỉ có duy nhất một bà vợ là Nam Phương hoàng hậu nên sự đấu đá tranh giành chốn hậu cung xem như chấm dứt.
Hậu cung triều Nguyễn trong suốt 143 năm tồn tại, tuy chỉ là những hoạt động mặt sau của vương triều nhưng những hoạt động của chốn hậu cung này lại góp phần quyết định cho việc sản sinh ra một thế hệ lãnh đạo của triều đình phong kiến Nguyễn và trong một chừng mực nhất định nào đó cũng đã góp phần không nhỏ đến sự bình ổn chính trị vào thời điểm bấy giờ ./. 

Tác giả: Chế Hồng Hoa (Trung tâm bảo tồn di tích Huế)

 Xem thêm nhiều bài thuyết minh tại: http://citytourdanang.com/lich-su-van-hoa  hoặc về lai TRANG CHỦ của BLOG NÀY

 Nếu bạn quên địa chỉ này hãy lên google gõ "tài liệu thuyết minh du lịch" bạn sẽ thấy trang này đầu tiên.

No comments: