Friday, August 25, 2017

Vua Minh Mạng với những cải cách nổi bật.

Vua Minh Mạng (hình minh họa)
Triều Nguyễn trải dài 133 năm từ 1802 đến năm 1945 với 13 đời vua. Minh Mệnh là vị vua thứ hai. Gia Long là người sáng nghiệp triều Nguyễn, thống nhất đất nước từ ải Nam Quan đến mũi Cà Mau. Thì, vua Minh Mệnh trong 21 năm trị vì đã có những cải cách nổi bật đưa triều đại nhà Nguyễn và đất nước lên một tầm cao mới. Vua Minh Mệnh là người thông minh, tài năng, quyết đoán, chuyên cần lo việc triều đình và đất nước. Nhà vua mang hoài bão muốn trở thành một người như vua Lê Thánh Tôn. Minh Mệnh thường nói với các cận thần trong triều đình: "Các vua đời trước của nước ta như là Lê Thánh Tôn cũng có thể gọi là vua hiền không phải đời nào cũng có được, trẫm hâm mộ".

Vua Minh Mệnh quan tâm đến việc học hành, khoa cử, tuyển chọn nhân tài. Ngay sau khi lên ngôi, năm 1821, cho mở trường Quốc Tử Giám để đào tạo nhân tài. Thời vua Gia Long chỉ có thi Hương. Năm 1822, vua Minh Mệnh mở khoa thi Hội, thi Đình để lấy Tiến sĩ. Đến năm 1829, nhà vua cho những người trúng cách được đỗ phó bảng. Thời trước cứ 6 năm mới tổ chức khoa thi, thời Minh Mệnh, 3 năm tổ chức một lần (Các năm: Tý, Ngọ, Mão, Dậu thi Hương. Các năm: Thìn, Tuất, Sửu, Mùi tổ chức thi Hội, thi Đình). Nhà vua còn đặt quan Đốc học ở Gia Định để khuyến khích việc học tập ở Nam bộ. Đồng thời, cho thành lập Quốc Sử Quán để tổ chức biên soạn lịch sử đất nước và các triều đại. Vua ban chiếu khuyến khích động viên ban thưởng cho những người tìm được sách cũ hay soạn sách mới hay. Từ đó, có nhiều nhà Nho, văn nhân trong nước dâng lên triều đình nhiều bộ sách quý.

Thời Gia Long, bộ máy tổ chức quan lại triều đình giống như nhà Lê. Vua Gia Long bỏ chức Tham tụng, Bồi tụng tương đương Tể tướng. Triều đình có 6 bộ (Lại, Hộ, Lễ, Binh, Hình, Công), mỗi bộ có 1 quan thượng thư đứng đầu và thị thư viện làm cơ quan trọng yếu tương tự như văn phòng của vua. Năm 1829, Minh Mệnh đổi Thị thư viện thành nội các, tuyển chọn quan tứ phẩm có năng lực ở các bộ, viện... đưa vào làm việc ở nội các. Đến năm 1834, nhà vua thành lập cơ quan Cơ mật viện. Đây là cơ quan chuyên trách quân cơ quan trọng của triều đình. Cơ quan được cơ cấu gồm 4 quan đại thần có thực tài và năng lực, Hàm từ Tam phẩm trở lên, được đeo kim bài đích thân Minh Mệnh tuyển chọn cùng với nhà vua giải quyết những công việc trọng đại của triều đình và đất nước.

Minh Mệnh áp dụng chính sách Trung ương tập quyền để giải quyết nạn cát cứ địa phương. Thời vua Gia Long, toàn quốc được chia ra làm 23 trấn, 4 doanh. Từ Thanh Hóa trở ra gọi là Bắc gồm có 11 trấn. Từ Bình Thuận trở vào Nam gọi là Gia Định Thành gồm 5 trấn. Ở Bắc Thành và Gia Định Thành đặt chức tổng trấn, phó tổng trấn để trông coi mọi việc. Trấn lại chia ra phủ, huyện, châu. Đến năm 1831, vua Minh Mệnh xác lập lại địa giới hành chính và cải cách hành chính quy mô trên cả nước. Vua bãi bỏ các trấn, chia cả nước làm thành 30 tỉnh và phủ Thừa Thiên (nơi có kinh đô thuộc Trung ương). Phía Bắc chia thành 18 tỉnh, gồm: Quảng Bình, Quảng Trị, Hà Tĩnh, Nghệ An, Thanh Hóa, Ninh Bình, Nam Định, Hà Nội, Hưng Yên, Hải Dương, Quảng Yên, Sơn Tây, Bắc Ninh, Tuyên Quang, Hưng Hóa, Thái Nguyên, Lạng Sơn, Cao Bằng. Phía Nam chia thành 12 tỉnh, gồm: Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Bình Thuận, Phiên An, Biên Hòa, An Giang, Vĩnh Long, Định Tường, Hà Tiên. Nhà vua đặt chức Tổng đốc, Tuần phủ, Bố chánh sứ, Án sát sứ và Lãnh binh để trông coi, quản lý các tỉnh. Tổng đốc thì lo toàn bộ công việc quân và dân tình trong tỉnh. Tuần phủ đảm trách việc chính trị, giáo dục, xã hội. Bố chính lo công tác thuế má, đinh điền, binh lính, thông báo các mệnh lệnh của triều đình. Án sát đảm trách việc hình luật, trạm dịch bưu truyền. Lãnh binh chuyên trách công việc quân sự, binh lính. Từ Tuần phủ trở xuống phải thực hiện mệnh lệnh của quan Tổng đốc. Chức Tổng đốc chỉ được bố trí ở những tỉnh có quy mô lớn. Còn lại các tỉnh chỉ đặt quan Tuần phủ làm quan đứng đầu tỉnh.

Công việc chia tỉnh và xác lập địa giới hành chính của các tỉnh trong cả nước từ thời Minh Mệnh đến sau này hơn 100 năm vẫn còn phù hợp trước sự phát triển của xã hội. Điều này cho thấy: Vua Minh Mệnh và những người tham gia việc xác lập địa giới hành chính các tỉnh có tầm nhìn sâu rộng. Địa giới, quy mô các tỉnh sau hơn 1 thế kỷ vẫn phù hợp với; yêu cầu phát triển, không bị lạc hậu trước những đổi thay, phát triển của xã hội và nhu cầu cuộc sống.

Cùng với những cải cách bộ máy tổ chức, chia địa giới phân định tỉnh, vua Minh Mệnh quy định lại chế độ tiền lương cho các quan, đặt chức tước, phẩm hàm từng vị trí công việc của các quan. Hệ thống thứ bậc các quan định từ chánh nhất phẩm đến tòng cửu phẩm cách nhau 18 bậc. Tiền lương cũng chênh lệch khoảng cách từ 18 đến 20 lần. (Cụ thể lương bổng đồng niên và tiền xuân phục của quan chánh nhất phẩm là 400 quan tiền, 300 phương gạo, tiền xuân phục là 70 quan. Lương của quan cửu phẩm gồm 18 quan tiền, 16 phương gạo và tiền xuân phục là 4 quan...).

Nhằm động viên các quan hoàn thành tốt nhiệm vụ, có nếp sống lành mạnh. Đồng thời, phòng chống tệ nạn nhũng nhiễu tham nhũng, Minh Mệnh cho thành lập quỹ Dưỡng liêm để khen tặng cho các quan thanh liêm từ 20 quan đến 50 quan tùy theo cương vị khác nhau. (Cụ thể như Tri phủ thanh liêm, hoàn thành tốt nhiệm vụ được thưởng 50 quan; Tri huyện, Tri châu được thưởng 40 quan...).

Về kinh tế, đất nước ta là chủ yếu sản xuất nông nghiệp. Nhân dân phần lớn là nông dân. Vua rất quan tâm đến sản xuất nông nghiệp. Trong thời gian ở ngôi, vua Minh Mệnh đã thực hiện hoàn chỉnh hệ thống đê điều ở miền Bắc. Đặt quan khuyên nông, tổ chức khai hoang ven biển ở miền Bắc, lập ra 2 huyện mới là Kim Sơn và Tiền Hải. Nhà vua đã chỉ đạo phá bỏ đê phía Nam Hà Nội, đào sông thoát lũ ở Cửu An, Hưng Yên. Công cuộc khai hoang và các công trình thủy lợi ở miền Nam cũng được đẩy mạnh. Nhằm phát triển kinh tế, Minh Mệnh là vua có những chính sách khuyến nông, với những biện pháp thưởng phạt hữu hiệu, nhất là công cuộc khẩn hoang. Cụ thể: Nếu xã trưởng, lý trưởng khai hoang được 20 đến 50 mẫu ruộng được thưởng "ngân tiền Phi Long" lớn nhỏ mỗi thứ 3 đồng, cộng thêm 4 quan tiền... Đối với chánh phó tổng, tri phủ, tri huyện, tổng đốc, tùy theo số diện tích ruộng khai hoang được hưởng theo mức độ khác nhau. Ngược lại, nếu ruộng đất bị bỏ hoang hóa, các quan chức tùy theo hàm, tước và số diện tích bị bỏ hoang sẽ bị kỷ luật, xử phạt rất nặng. Cụ thể với tri phủ, tri huyện bỏ hoang từ 100 đến 200 mẫu ruộng bị phạt 6 tháng lương. Đối với quan đầu tỉnh, nếu bỏ hoang dưới 1% diện tích ruộng đất bị phạt 3 tháng lương. Triều Minh Mệnh tổ chức vận động cả nước khai khẩn đất đai. Nhân dân được tự do khai khẩn ruộng đất nơi triều đình yêu cầu hoặc tự chọn. Và, triều đình tổ chức khẩn hoang giao lại cho dân canh tác. Diện tích khai hoang, sau 3 năm triều đình mới thu thuế. Triều đình còn khuyến khích khen thưởng cho những ai chiêu mộ được 30 người khai hoang thì được làm ấp trưởng, chiêu mộ 50 người thì làm lý trưởng, 20 người thì được làm trại trưởng. Nếu làng, ấp, trại phát triển, người có công được xếp vào hàng vọng tộc, thế gia. Nhân dân tham gia khai khẩn ruộng đất được, cứ 5 người, được triều đình cấp 1 con trâu, 1 cái bừa, 1 cái cày, 1 cái cuốc, 1 cái thuổng.

Năm 1836, nhà vua cho kiểm kê đạc điền toàn bộ diện tích ruộng đất ở Nam kỳ. Đồng thời, quy định lại thuế điền thổ trong cả nước. Minh Mệnh cũng định ra thuế muối. Cứ mỗi ruộng muối đồng niên phải nộp thuế bằng muối từ 6 đến 10 phương muối (mỗi phương trị giá bằng 3 tiền đến 4 tiền 30 đồng). Dân Tàu sang nước ta lập hương ấp gọi là Minh Hương. Mỗi người phải nộp thuế 2 lạng bạc. Người Tàu buôn bán ở nước ta, mỗi năm phải đóng 6 quan 5 tiền. Người nào không có khả năng nộp thì thu một nửa, quy định sau 3 năm thì chiếu lệ thu cả thuế.

Song song với những cải cách về chính trị, kinh tế, vua Minh Mệnh còn chú trọng đến lĩnh vực văn hóa và phong tục. Nhà vua còn biên soạn 10 điều Huấn dụ để giáo dục nhân dân sống đúng đạo lý, chăm lo lao động, sống tiết kiệm, lành mạnh, giữ gìn và phát huy những phong tục tốt đẹp của dân tộc. 10 điều huấn dụ của nhà vua nêu rõ: "Trọng tam cương ngũ thường, làm việc tốt, giữ bản thân và tâm hồn trong sạch, chăm lo nghề nghiệp, chuộng tiết kiệm, giữ phong tục thuần hậu, dạy bảo con em, chuộng học chính đạo, răn tránh những điều gian tà, dâm dục. Cẩn trọng giữ gìn pháp luật, cộng sự làm lành".

Minh Mệnh còn là vị vua chú trọng đến thời trang và cách tân y phục. Năm 1827, vua ban chiếu bắt buộc phụ nữ phải mặc quần có đáy (quần 2 ống), áo thì mô phỏng áo dài người Chăm và áo dài xẻ của người Trung Hoa để chế ra trang phục áo dài giống như áo dài ngày nay. Việc bắt buộc cách tân quần cho nữ giới, ban đầu đã gặp ý kiến chống đối được thể hiện qua hò vè, ca dao:

"Tháng Chín có chiếu vua ra (*)
Cầm quần không đáy người ta hãi hùng
Không đi thì chợ không đông
Đi ra bóc lột quần chồng sao đang
Có quần ra đứng bán hàng
Không quần, không đứng đầu làng trông quan".

((*): Có bản truyền ghi: Tháng Chạp, có bản ghi tháng Tám)

Việc này cho thấy: Thời nào và ngay các thời hiện đại cũng vậy, việc cải tiến y phục, cách tân thời trang, lúc đầu đều có đông đảo người ủng hộ cũng như chống đối, bài xích.

Minh Mệnh không chỉ chăm giáo dục con dân, nhà vua còn lo cho đời sống người nghèo khổ. Vua đã truyền lệnh cho các quan ở các tỉnh phía Bắc xây dựng nhà Dưỡng Tế. Những người lớn tuổi, cô đơn, nghèo khó, tàn tật không nơi nương tựa được đưa đến nhà Dưỡng Tế để sống. Mỗi ngày, những người sống ở nhà Dưỡng Tế được Triều đình cấp 20 đồng tiền và nửa bát quan đồng gạo.

Công việc quốc phòng là nhân tố quyết định đến an ninh trật tự của triều đình, đất nước và chủ quyền quốc gia. Vua Minh Mệnh chú trọng đến việc xây dựng lực lượng quân đội để chủ động phòng bị khi có biến cố. Lực lượng quân đội gồm có bộ binh, thủy binh, kỵ binh và pháo thủ binh. Bộ binh gồm có kinh binh, cơ binh. Kinh binh được chia ra Doanh, Vệ, Đội để đóng giữ ở kinh thành và điều động đóng giữ ở các tỉnh. Mỗi doanh có 5 vệ, mỗi vệ có 10 đội, mỗi đội có 50 người do đội trưởng cai quản. Trang bị của mỗi vệ có 2 khẩu súng thần công, 200 khẩu điểu thương. Cơ binh là lính riêng của tỉnh, được chia ra Cơ và Đội. Tượng quân chia ra thành Đội. Mỗi đội 40 con voi chiến. Riêng ở kinh thành có 150 voi chiến. Thủy quân có 15 vệ, chia làm 3 doanh. Thời Minh Mệnh rất coi trọng thủy binh. Những bờ biển trọng yếu được xây dựng đồn trấn giữ và thường xuyên luyện tập thủy quân và chiến thuyền.

Minh Mệnh chú trọng đến xây dựng lực lượng quân đội và quốc phòng. Vua còn lập ra trường Giáo dưỡng binh cho con em các võ quan vào học, cấp lương bổng và cử các quan dạy võ nghệ, quân sự.

Năm 1827, quân Xiêm xâm chiếm nước Lào. Vua Minh Mệnh lệnh cho quan Thống chế Phan Văn Thúy đem lực lượng bộ binh và tượng binh sang giúp Lào, đẩy lui quân Xiêm.

Năm 1833, nhân cơ giúp Lê Văn Khôi chống lại triều đình, nước Xiêm đưa quân vào nước ta. Minh Mệnh sai tướng Trương Minh Giảng và Nguyễn Xuân đánh bại quân Xiêm. Đồng thời, lệnh cho Trương Minh Giảng và Nguyễn Xuân tiến quân vào Nam Vang truy đánh quân Xiêm và bảo hộ Cao Miên. Năm 1834, vua sai Lê Văn Đức làm Khâm Sai đại thần cùng với tướng Trương Minh Giảng và Doãn Uẩn đóng quân ở Cao Miên và bảo hộ cả Cao Miên và Ai Lao.

Trong thời kỳ này Việt Nam là một quốc gia lớn mạnh so với các nước trong khu vực. Năm 1838, vua Minh Mệnh đổi tên nước Việt Nam thành Đại Nam thể hiện sự hưng thịnh của đất nước và triều đại. Vua Minh Mệnh cho đúc 9 cái đỉnh bằng đồng gọi là cửu đỉnh tượng trưng cho sự bền vững trường cửu của triều đại. Trên mỗi cái đỉnh đồng, nhà vua cho khắc danh lam thắng cảnh tiêu biểu của đất nước từ Bắc vào Nam. Chín cái đỉnh đó là:

1/ Cao đỉnh nặng 2.601 kg, cao 2,02 mét, miệng rộng 1,61 mét.

2/ Nhân đỉnh nặng 2.496 kg, cao 1,8 mét, miệng rộng 1,33 mét.

3/ Chương đỉnh nặng 2.083 kg. 4/ An đỉnh nặng 2.557 kg.

5/ Nghị đỉnh nặng 2.524 kg.

6/ Thuận đỉnh nặng 1.938 kg.

7/ Tuyên đỉnh nặng 2.053 kg.

8/ Dũ đỉnh nặng 2.047 kg.

9/ Huyền đỉnh nặng 1.950 kg.

Các đỉnh: Chương đỉnh, An đỉnh, Nghị đỉnh, Thuận đỉnh, Tuyên đỉnh, Dũ đỉnh, Huyền đỉnh có chiều cao và miệng rộng giống Nhân đỉnh.

Bên cạnh những cải cách về bộ máy chính trị, kinh tế, quân sự, văn hóa và giáo dục đạt được những thành tựu đưa vị thế của đất nước và triều Nguyễn lớn mạnh. Vua Minh Mệnh cũng không tránh khỏi những hạn chế nhất định. Đó là việc nhà vua ảnh hưởng nặng nề nước Trung Hoa, nếu không muốn nói là thuần phục. Trong khi đó, đến triều Minh Mệnh thì ở Trung Hoa vua Càn Long đã qua đời, các triều Thanh Nhân Tông - Gia Khánh và Thanh Tuyên Tông - Đạo Quang nước Trung Hoa đã suy yếu, phân hóa và nhiều hủ bại, bảo thủ, lạc hậu. Vua Minh Mệnh đã có chủ trương bế môn tỏa cảng, cấm đạo Thiên Chúa hoạt động. Từ năm 1822, Minh Mệnh đã ra lệnh cấm người các nước phương Tây vào nước ta buôn bán. Và, cấm triệt để cả nước buôn bán giao thương hợp tác với người các nước phương Tây. Đến năm 1825 thì ban bố lịnh cấm đạo Thiên Chúa hoạt động. Các giáo sĩ Thiên Chúa giáo người phương Tây, người Pháp không được hoạt động truyền đạo tại Việt Nam và cấm dân theo đạo. Nhà vua đã ra chỉ dụ: "Đạo phương Tây là tà đạo, làm mê hoặc lòng người, hủy hoại phong tục, cho nên phải nghiêm cấm để khiến người ta phải theo chính đạo".

Đành rằng để bảo vệ chủ quyền đất nước, bảo vệ vương quyền, Minh Mệnh phải cảnh giác với âm mưu xâm lược đất nước ta. Có những giáo sĩ làm tay sai cho chính quyền Pháp đi xâm lược. Nhưng, nhìn chung phần đông giáo sĩ và giáo dân Thiên Chúa chỉ phụng đạo. Tiếc rằng, Minh Mệnh và các quan trong triều đình không phân biệt được ai là "người đội lốt tôn giáo", có ý đồ xấu với đất nước để mà phân biệt, đề ra biện pháp, cách đối phó hữu hiệu.

Chính sách bế môn tỏa cảng, không giao thiệp với các nước phương Tây và cấm đạo Thiên Chúa của Minh Mệnh và triều đình là bảo thủ, tự cô lập Việt Nam đối với thế giới. Và, chủ trương cấm đạo là tạo ra tình trạng mất đoàn kết trong nội bộ nhân dân, làm suy yếu sức mạnh của đất nước và dân tộc. Tiếc rằng, chủ trương này còn kéo dài đến các triều vua sau này. Đây là những yếu kém của Minh Mệnh và cả triều đình nhà Nguyễn đã làm cho đất nước chậm phát triển, ảnh hưởng đến các thời kỳ sau này.

Tác giả: Lê Ngọc Trác

Tài liệu tham khảo và trích dẫn:

1/ Việt Nam sử lược của Trần Trọng Kim (NXB Văn hóa Thông tin - 1999)

2/ Lược sử Việt Nam của Trần Hồng Đức (NXB Văn hóa Thông tin - 2009)

3/ Vương triều cuối cùng của Phạm Minh Thảo (NXB Văn hóa Thông tin - 2007)

☀ Xem thêm nhiều bài thuyết minh tại: http://citytourdanang.com/lich-su-van-hoa  hoặc về lai TRANG CHỦ của BLOG NÀY

☀ Nếu bạn quên địa chỉ này hãy lên google gõ "tài liệu thuyết minh du lịch" bạn sẽ thấy trang này đầu tiên.

Tuesday, August 22, 2017

Hậu cung triều Nguyễn.

Hậu cung ba ngàn giai lệ là chủ đề muôn thủa của các nhà văn cũng như các nhà làm phim về các triều đại Phong kiến đã từng tồn tại trong lịch sử của loài người. Mặc dù chỉ là những nữ nhân chốn khuê phòng nhưng các thủ đoạn minh tranh ám đấu đã biến chốn hậu cung trở thành một chiến trường kẻ chết người sống, không có một ngày bình yên. Một Võ Tắc Thiên của triều đại nhà Đường Trung Quốc đã từ vị trí là một Tài Nhân trở thành nữ hoàng đế duy nhất trong lịch sử Trung Quốc. Một Từ Hi Thái Hậu, người nắm quyền lực thực tế trong hơn 40 năm của triều đại Mãn Thanh – triều đại cuối cùng của chế độ phong kiến Trung Quốc.

Các bà phi phụng thờ hương khói tại lăng Thiệu Trị. Ảnh tư liệu.
Xem thêm:
  1. Click tham gia Group Tài Liệu Thuyết Minh Du Lịch
  2. Click Đăng ký theo dõi Kênh Youtube (Tour Guide Channel) dành cho Hướng dẫn viên 
  3. Bài Thuyết minh về Đại Nội Huế 
  4. Tư liệu Thuyết minh về Cửu Đỉnh 
  5. Thuyết minh về thánh địa Mỹ Sơn 
Cửa cung sâu như biển, bước chân vào thì không mong có ngày ra nhưng vì tham vọng quyền lực, ước mong cuộc sống xa hoa, biết bao nữ nhân Trung Quốc đã trở thành quân cờ, là thảm lót đường để những người như Võ Tắc Thiên, Từ Hi Thái hậu... bước lên ngôi cao, sống cuộc sống vinh hoa phú quý cho đến cuối cuộc đời. Ngoài Võ Tắc Thiên và Từ Hi Thái Hậu, các triều đại Phong kiến Trung Quốc còn có nhiều nữ nhân nổi tiếng với việc sử dụng các thủ đoạn ác độc, lủng đoạn hậu cung để nắm quyền như Lữ Hậu, hoàng hậu đầu tiên đời nhà Hán - vợ Hán Cao Tổ Lưu Bang (202 - 195 TCN), Triệu Phi Yến - vợ Hán Thành Đế (33–7 TCN)... 

So với Trung Quốc, nữ nhân chốn hậu cung của các triều đại phong kiến Việt Nam tuy không nổi tiếng bằng nhưng cũng không hiếm những người có tài trị quốc an dân, chẳng kém các đấng mày râu, góp nhiều công sức vì giang sơn tổ quốc. Một Dương Vân Nga - hoàng hậu của 2 triều đại người đã góp phần tạo nên nhà Tiền Lê (980-1009) trong lịch sử Việt Nam (Dương Vân Nga là vợ của vua Đinh Tiên Hoàng, sau trở thành hoàng hậu của vua Lê Đại Hành. Bà đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong việc chuyển giao quyền lực từ nhà Đinh sang nhà Tiền Lê). Một Nguyên phi Ỷ Lan - vợ vua Lý Thánh Tông, hai lần nhiếp chính, sử dụng tài trí để ổn định và phát triển đất nước. Là một tài nữ được người đời ca tụng, nhưng trong cuộc đấu tranh chốn hậu cung, Nguyên phi Ỷ Lan cũng không tránh khỏi vết nhơ, đó là việc giết chết Thái hậu Thượng Dương và 76 người thị nữ. Trong những năm cuối cuộc đời, bà rất hối hận vì việc này nên đã cho xây dựng nhiều chùa Phật để sám hối, rửa oan (Đại Việt sử ký toàn thư, tập I, Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội, 1993, tr. 277, 286).

Đến thời Nguyễn (1802-1945), triều đại phong kiến cuối cùng ở Việt Nam, thứ bậc của các phi tần chốn hậu cung được sắp xếp theo khuôn mẫu chung của các triều đại phong kiến, tuy vậy cũng có một vài sự thay đổi tùy theo từng triều vua.

Vào đầu thời Nguyễn, phi tần hậu cung được quy định theo thứ bậc như sau: “Lúc quốc sơ định lệ cung giai: 3 Phi là Quý phi, Minh phi, Kính phi. 3 Tu là Tu nghi, Tu Dung, Tu viện. 9 Tần là Quý tần, Hiền tần, Trang tần, Đức Tần, Thục tần, Huệ tần, Lệ tần, An tần, Hòa tần. 3 Chiêu là Chiêu nghi, Chiêu dung, Chiêu viện. 3 Sung là Sung nghi, Sung dung, Sung viện. 6 chức là Tiệp dư, Dung hoa, Nghi nhân, Tài nhân, Linh nhân, Lương nhân” (Nội các triều Nguyễn, Khâm định Đại Nam Hội điển Sự lệ, Nhà xuất bản Thuận Hóa Huế 1993, Tập 6, tr. 163).

Đến năm Minh Mạng thứ 17 (1836), nhà vua lại có chỉ dụ để đặt lại thứ bậc của hậu cung như sau: “….Nay châm chước việc người xưa đã làm, đặt làm 9 bậc ở Nội cung: đặt một Hoàng quý phi ở trên bậc nhất, để giúp Hoàng thái hậu trông coi lương thực ở trong cung, chỉnh tề công việc bên trong. Lại đặt Quý phi, Hiền phi, Thần phi làm bậc nhất, Đức phi, Thục phi, Huệ phi làm bậc nhì. Quý tần, Hiền tần, Trang tần làm bậc ba. Đức tần, Thục tần, Huệ tần làm bậc 4. Lệ tần, An tần, Hòa tần làm bậc 5. Tiệp dư làm bậc 6, Quý nhân làm bậc 7, Mỹ nhân làm bậc 8, Tài nhân làm bậc 9. Khiến cho trong chốn khuê môn được trật tự phân minh, để tỏ phong hóa tôn nghiêm, tuân theo mãi mãi. 

Lại xuống dụ: Trước đã chuẩn định nội cung 9 bậc, trong đó Đức phi, nay đổi làm Gia phi” (Khâm định Đại Nam Hội điển Sự lệ, sđd, tr. 164).

Năm Minh Mạng thứ 19 (1838) nhà vua lại có chỉ dụ thay đổi vị trí của bậc 5 như sau: Nguyên trước định lệ cung giai, Lệ tần, An tần, Hoà tần cùng là bậc 5, nay đổi làm An tần, Hoà tần, Lệ tần
Cũng trong năm này, danh xưng của các phi tần trong 9 bậc lại có sự thay đổi như sau: Quý phi, Đoan phi, Lệ phi là nhất giai; Thành phi, Tính phi, Thục phi là nhị giai; Quý tần, Lương tần, Đức tần là tam giai. Huy tần, Ý tần, Nhu tần là tứ giai. Nhân tần, Nhã tần, Thuận tần là ngũ giai; Tiệp dư là lục giai; Quý nhân là thất giai; Mỹ nhân là bát giai; Tài nhân là cửu giai.

Đến năm Thiệu Trị thứ 3 (1846), nhà vua lại có chỉ dụ: Đoan phi cho đổi làm Lương phi, thuộc nhất giai, chữ “lương” ở bậc tam giai đã đưa tấn phong cho bậc nhất giai thì Lương tần đổi làm Thụy tần thuộc tam giai (Khâm định Đại Nam Hội điển Sự lệ, sđd, tr. 166, 167).

Sang năm Tự Đức thứ 3 (1850), một lần nữa nhà vua đã định lại thứ bậc và tước vị hậu cung: …thứ bậc trong cung, cũng nên định rõ cấp bậc về Hoàng quý phi trở lên, đã có lệ sẵn, từ phi tần trở xuống, thì chuẩn cho đặt làm Thuận phi, Thiện phi, Nhã phi là bậc nhất; Cung phi, Cần Phi, Chiêu phi là bậc nhì; Khiêm tần, Thận tần, Nhân tần, Thái tần là bậc 3; Khoan tần, Giai tần, Tuệ tần, Giản tần làm bậc 4; Tĩnh tần, Cẩn tần, Tín tần, Uyển tần là bậc 5; Tiệp dư là bậc 6; Quý nhân là bậc 7; Mỹ nhân là bậc 8; Tài nhân bậc là 9 (Đại Nam Thực Lục, NXB Giáo dục 2007, Tập 7, tr.165).

Mặc dù, hậu cung dưới thời nhà Nguyễn được phân làm 9 bậc, nhưng số lượng nữ nhân chốn hậu cung thời bấy giờ cũng không phải là nhiều lắm. Vua Minh Mạng là người có số lượng vợ và con nhiều nhất trong số các vị vua triều Nguyễn (vua Minh Mạng có 43 bà phi vợ sinh 162 người con được ghi chép vào Nguyễn Phúc tộc Thế phả), nhưng dưới thời Minh Mạng vào giai đoạn cao điểm, nữ nhân chốn hậu cung, kể cả nữ quan và cung nữ, cũng không quá 200 người.

Lịch sử đã từng ghi nhận hai trận thiên tai lớn (hạn hán và lụt bão) xảy ra ở Kinh đô Huế dưới thời vua Minh Mạng, đã làm ảnh hưởng đến số lượng nữ nhân chốn hậu cung. 

Vào năm Minh Mạng thứ 6 (1825), khi hạn hán xảy ra, nhà vua đã cho rằng đây là do âm khí uất tắc nên đã ra chỉ dụ: 

Thả Cung nữ ra. Vua thấy đại hạn lấy làm lo, bảo Thượng bảo khanh Hoàng Quýnh rằng: “Hai ba năm nay đại hạn luôn, trẫm nghĩ chưa rõ vì cớ gì. Hay vì con gái bị giam hãm trong cung nhiều, nên âm khí uất tắc mà đến thế chăng? Nay đàn bà con gái trong cung cũng không nhiều lắm, song tạm lựa cho ra 100 người, may ra tai biến bớt chăng”(Đại Nam thực lục , NXB Giáo dục năm 2004, Tập 2, trang 395).

Đến năm Minh Mạng thứ 9 (1828), lụt lớn đã xảy ra ở Kinh đô, âm khí u uất cũng lại trở thành nguyên nhân lo lắng của nhà vua: 

Kinh kỳ lụt to, mặt đất sâu hơn 10 thước, nhà cửa của dân bị trôi nhiều chết đuối hơn 60 người....
Vua nhân bảo Bộ Lễ rằng: “Từ trước đến nay lụt mùa thu, chưa bao giờ ghê như thế. Nước là tượng âm, hoặc giả âm khí u uất mà thành ra thế chăng? Hiện nay cung nhân có danh vị chỉ có 16, 17 người. Tất cả các ban chưa quá 100 người, đủ để sai khiến trong cung mà thôi. Trời báo tai như thế, có phải là sự ngẫu nhiên đâu? Trẫm nửa đêm thức dậy, quanh giường bàng hoàng, tự trách lỗi mình mong sao cho hồi được lòng trời mà khỏi tai biến”(Đại Nam thực lục , NXB Giáo dục năm 2004, Tập 2, tr. 768). 

Chỉ với hai sự kiện nêu trên, có thể thấy rằng vào thời thịnh trị của nhà Nguyễn, nữ nhân chốn hậu cung so với các triều đại Phong kiến Trung Quốc chỉ là những hạt muối bỏ biển. Và cũng chắc chắn rằng, sau các sự kiện nêu trên, số lượng nữ nhân gia nhập hậu cung sẽ được hạn chế hơn trước.
Với 143 năm tồn tại (1802-1845), hậu cung triều Nguyễn và những câu chuyện thâm cung bí sử hầu như không được sử sách ghi chép nhưng lại được biết qua những câu chuyện truyền miệng của các nhân vật đã từng sống cùng thời điểm hoặc sống trong hậu cung. Ở Huế từng truyền tụng câu ca dao:


Ngọ Môn năm cửa chín lầu,

Một lầu vàng tám lầu xanh,

Ba cửa thẳng hai cửa quanh,

Sinh em ra làm phận gái,
Chớ nên hỏi chốn kinh thành mà làm chi.

Đã mang thân phận nữ nhi thì không nên biết đến chốn kinh thành, hay chính xác hơn là không nên vì vinh hoa phú quý, quyền cao chức trọng mà như những con thiêu thân lao vào hậu cung của các bậc đế vương để đổi lấy một cuộc sống lắm tai ương, bất trắc. Bước vào hoàng cung là những thiếu nữ thanh xuân, tuổi trẻ, thiện lương còn bỡ ngỡ trước cuộc đời. Tuy nhiên, cuộc sống đầy âm mưu thủ đoạn của chốn cung cấm đã biến những thiếu nữ thanh thuần trở thành những người lắm mưu, nhiều kế, tay dính máu tanh. Thậm chí là một cuộc sống cô đơn, buồn bã, đánh mất cả tuổi thanh xuân vì không được ân sủng của nhà vua. 

Cung phi của các vị vua triều Nguyễn hầu hết đều là con gái của các vị quan trong triều đình. Sự hậu thuẫn của gia tộc cũng chính là một trong những nguyên nhân để các bà trong cung Nguyễn nhận được sự sủng ái của các bậc đế vương. Những cuộc hôn nhân này cũng chính là sự cân bằng quyền lực giữa các thế lực trong triều, nhằm ổn định tình hình chính trị của quốc gia. Cho dù mục đích phía sau của những cuộc hôn nhân này là gì thì hầu hết những cô gái này đã đánh đổi tuổi thanh xuân và nước mắt của họ để đổi lấy một cuộc sống hoặc là quyền cao chức trọng, mẫu bằng tử quý, hoặc là cô đơn, phòng không gối chiếc cho đến cuối cuộc đời. Những người con gái một khi đã bước chân vào cung cấm thì chỉ có đi mà không thể trở lại. Cả cuộc đời, cả số phận, dù hạnh phúc hay bất hạnh, dù quyền cao chức trọng hay cô đơn chiếc bóng, ảo não u buồn... tất cả chỉ phụ thuộc vào một người duy nhất: hoàng đế!


“Một ngày dựa mạn thuyền rồng

Cũng bằng muôn kiếp sống trong thuyền chài”

Cũng bởi ước mong được một ngày dựa mạn thuyền rồng, mà những bi kịch, những tiếc nuối và cả những ai oán của các nữ nhân chốn hậu cung vẫn cứ mãi tiếp diễn. Có những người được vua sủng ái thì hưởng tột đỉnh vinh quang, hạnh phúc nhưng cũng có những người mang nỗi buồn cô đơn, không thể than thở cùng ai. Những phi tần dù được nhà vua sủng hạnh hay chưa được sủng hạnh, nhưng khi vua băng hà cũng phải theo nhà vua đến nơi an nghỉ cuối cùng để phụng thờ hương khói cho đến cuối cuộc đời. Ở Huế còn có câu thành ngữ “đưa con vô Nội” để chỉ thân phận của các cô gái chốn cung cấm, một khi đã bước vào cung thì không mong ngày trở ra. Đưa con vô Nội lâu ngày đã trở thành một câu nói cửa miệng của người Huế khi nói đến một sự việc có đi mà không có lại, cũng giống như đưa con vô Nội là không mong có ngày gặp lại. Có một số cung phi chỉ thực sự bước chân ra khỏi cung cấm sau khi triều Nguyễn cáo chung và sống lặng lẽ cho đến cuối cuộc đời. Một số sau khi ra khỏi cung tuy vẫn là gái tân nhưng tuổi trẻ và thời thanh xuân thì đã gởi lại trong Tử Cấm Thành. 

Nhà Nguyễn cũng đặt ra các quy định chăm sóc sức khỏe cho các cung nữ. Khi đau yếu, bệnh tật, họ phải ra khỏi hoàng cung để dưỡng bệnh tại Bình An Đường. Hiện nay, trong hệ thống kiến trúc triều Nguyễn có hai nhà Bình An Đường, một ở bên ngoài, góc Đông Bắc Hoàng Thành (đường Đặng Thái Thân) và một ở bên ngoài lăng Tự Đức, gần cửa Vụ Khiêm. Hai nhà Bình An Đường này là nơi dưỡng bệnh (nếu bệnh nhẹ) và chờ chết (nếu bệnh nặng) của các Thái giám và cung nữ chốn hậu cung thời kỳ nhà Nguyễn. Bình An Đường bên ngoài Hoàng Thành đã được trùng tu vào năm 2003 nhưng Bình An Đường của Lăng Tự Đức hiện chỉ còn dấu vết của la thành và một cổng vào còn khắc dòng chữ Bình An Đường Môn. 

Phía sau khuôn viên Bình An Đường Lăng Tự Đức, hiện vẫn còn 15 ngôi mộ của các bà vợ vua Tự Đức với nhà bia và la thành bao quanh, dân địa phương gọi đây là khu lăng mộ 15 Liếp (hay mộ các bà). Khu lăng mộ này hầu như bị bỏ hoang, hương khói của khu lăng mộ đều do người dân chung quanh phúng viếng, thỉnh thoảng cũng có thân nhân và người trong hoàng tộc Nguyễn đến thăm viếng. Trong 15 ngôi mộ ở tại đây, chỉ có 02 ngôi mộ là được thân nhân đến tu sửa, bảo dưỡng. Hương tàn, khói lạnh là thực trạng của khu lăng mộ các bà theo phụng thờ hương khói khi vua Tự Đức băng hà. Sống thì phòng không gối chiếc, chết lại mồ hoang cỏ lạnh là số phận của không ít nữ nhân chốn hậu cung thời nhà Nguyễn.

Cổng vào Bình An Đường-lăng Tự Đức
Bên trong khu lăng mộ 15 liếp
Sử sách Việt Nam hầu như không ghi chép về những cuộc tranh giành quyền lực ở chốn hậu cung. Hiếm hoi lắm chúng ta mới thấy được một đoạn hồi ký của Michel Đức Chaigneau trong cuốn Souvenir de Hué cho biết một vài chi tiết sinh động về mối quan hệ giữa các phi tần trong cung cấm dưới thời vua Gia Long. Nữ nhân ở hậu cung thời điểm bấy giờ chưa phải là nhiều lắm (nhà vua có 21 bà vợ có con và được ghi chép vào Nguyễn Phúc tộc Thế phả), nhưng cũng làm cho nhà vua đau đầu, đến nỗi nhà vua phải than thở “Trị nước thật dễ dàng, không khó nhọc bằng trị chốn nội cung của mình”. 

Trong một cuộc gặp gỡ với Michel Đức Chaingeau, nhà vua đã tâm sự: “Khanh tưởng rằng sau khi bãi triều, thanh toán xong mọi việc chính trị và hành chính trong ngày là công việc của trẫm đã xong và thế là trẫm có thể nghỉ ngơi trong hậu cung sao? Khanh lầm đó. Khanh không thể tưởng cái gì đang chờ đợi Trẫm ở đấy (vua chỉ về phía hậu cung) sau khi trẫm ra khỏi nơi này. Ở đây, Trẫm hài lòng vì được nói chuyện với những người hiểu biết, họ lắng nghe trẫm, hiểu biết trẫm và khi cần thì vâng lời Trẫm! Vào trong ấy, Trẫm gặp phải những con quỷ dữ. Chúng gây gổ, đánh đập nhau, cấu xé nhau… rồi sau cùng kéo nhau đến đòi Trẫm phân xử. Nếu làm đúng thì Trẫm phải trị tội cả bọn họ, vì trẫm không biết ai sẽ nhường nhịn ai trong cơn giận dữ!”

Sau một hồi im lặng, vua Gia Long nói tiếp: “Này đây, một chốc nữa, Trẫm sẽ phải đứng giữa một bầy quỷ cái, chúng nó sẽ gào thét làm Trẫm điếc cả tai”(Michel Đức Chaigneau, Souvenirs de Hué, Éditions typhon, Shanghai 1941, pp. 98-99).

Những vấn đề mà vua Gia Long đã tâm sự ở trên chỉ là những việc cãi vã công khai (minh tranh) để tranh giành sự sủng ái của các bậc đế vương. Phía sau những cuộc cãi vã này hẳn là không thiếu những thủ đoạn độc ác, tinh vi (ám đấu) nhằm loại trừ nhau của những bóng hồng nhiều tham vọng muốn làm chủ chốn hậu cung. Để minh chứng phần nào cho nhận định này, chúng tôi đã làm một thống kê nhỏ qua Nguyễn Phước tộc thế phả (Nguyễn Phúc tộc Thế phả, Nhà Xuất bản Thuận Hoá Huế 1993) và thấy như sau:

- Vua Gia Long có 31 người con (13 hoàng tử và 18 công chúa) thì số lượng mất sớm là 06 người (01 Tảo thương, 05 mất sớm), chiếm tỷ lệ 19,35%.
- Vua Minh Mạng có 142 người con (78 hoàng tử và 64 công chúa) thì có đến 30 người mất khi đang còn là bào thai hoặc lúc tuổi còn nhỏ (13 Tảo thương, 17 mất sớm), chiếm tỷ lệ 21,12%.
- Vua Thiệu Trị có 64 người con (29 hoàng tử và 35 công chúa) thì số lượng con mất sớm là 28 người (05 Tảo thương, 23 mất sớm), chiếm tỷ lệ 43,75%.
- Và đến đời Tự Đức thì nhà vua thể chất yếu nhược, không có khả năng sinh con nối dõi và cũng đến thời điểm này sự truyền thừa của dòng trưởng (con vợ chính) triều Nguyễn xem như chấm dứt.

Chỉ tính riêng 3 vị vua đầu triều Nguyễn, ở vào thời thịnh trị nhất, ta thấy hiện tượng các hoàng tử, công chúa chết non khi đang còn là bào thai (tảo thương) hoặc mất sớm, theo thời gian ngày càng tăng. Liệu rằng trong những số phận bất hạnh ấy, có ai là nạn nhân của những vụ “ám đấu” để tranh giành quyền lực ở chốn hậu cung?

Đến đời Tự Đức thì nhà vua thể chất yếu nhược, không có khả năng sinh con nối dõi và cũng đến thời điểm này sự truyền thừa theo dòng trưởng (con người vợ chính) của triều Nguyễn xem như chấm dứt.
Việc vua Tự Đức không có con nối dõi phải chăng cũng là hậu quả của cuộc đấu tranh chốn hậu cung? Việc không có con nối dõi vẫn là nỗi lo canh cánh của nhà vua trong suốt cuộc đời: “Trẫm đức bạc, tuổi trẻ, sớm nối nghiệp lớn, khốn nỗi tư bẩm bạc nhược, vận mệnh kiển bĩ, việc nhiều, lỗi nặng, bệnh tật liên miên, lại không biết cách tu luyện của Hoàng đế, Lão tử, Kỳ Bá, Biển Thước, nên con nối muộn hiếm, không được yên lòng về việc lập Thái tử và sự vui về bà chơi với cháu, tội ấy không còn tội gì to hơn ! Rất tự lấy làm sợ hãi, hổ thẹn”(Đại Nam Thực Lục, NXB Giáo dục 2007, Tập 7, tr.1200).

Sau khi vua Tự Đức băng hà (ngày 19 tháng 7 năm 1883), triều đình nhà Nguyễn bước vào giai đoạn khủng hoảng. Pháp đã đặt xong nền móng của chủ nghĩa thực dân tại Việt Nam, ngai vàng và các vua kế vị cũng gặp nhiều thay đổi. Chỉ trong 4 tháng (từ tháng 7 đến tháng 11 năm 1883), ngai vàng triều Nguyễn đã 3 lần đổi chủ: Dục Đức-Hiệp Hòa-Kiến Phúc. Đây là thời điểm kinh đô Huế tồn tại hai chính thể cai trị - thực dân Pháp và triều đình phong kiến Nguyễn và cũng là giai đoạn mà các vị vua nối ngôi liên tục thay đổi.

Do sự bất ổn về triều chính, hậu cung triều Nguyễn giai đoạn này cũng im hơi lặng tiếng. Các bậc đế vương về sau như Khải Định (chỉ có duy nhất một con trai), Bảo Đại khi ở ngôi vua chỉ có duy nhất một bà vợ là Nam Phương hoàng hậu nên sự đấu đá tranh giành chốn hậu cung xem như chấm dứt.
Hậu cung triều Nguyễn trong suốt 143 năm tồn tại, tuy chỉ là những hoạt động mặt sau của vương triều nhưng những hoạt động của chốn hậu cung này lại góp phần quyết định cho việc sản sinh ra một thế hệ lãnh đạo của triều đình phong kiến Nguyễn và trong một chừng mực nhất định nào đó cũng đã góp phần không nhỏ đến sự bình ổn chính trị vào thời điểm bấy giờ ./. 

Tác giả: Chế Hồng Hoa (Trung tâm bảo tồn di tích Huế)

 Xem thêm nhiều bài thuyết minh tại: http://citytourdanang.com/lich-su-van-hoa  hoặc về lai TRANG CHỦ của BLOG NÀY

 Nếu bạn quên địa chỉ này hãy lên google gõ "tài liệu thuyết minh du lịch" bạn sẽ thấy trang này đầu tiên.

Monday, August 21, 2017

Pháp lam - sắc màu của Huế xưa.

Nhà nước phong kiến thời Nguyễn sau gần 150 năm tồn tại đã để lại trên đất Thần kinh một kho tàng di sản văn hóa đồ sộ. Trong đó, không thể không nhắc đến những sản phẩm pháp lam là những tác phẩm nghệ thuật có giá trị cao. Tuy nhiên, đã bị thất truyền về kỹ thuật chế tác từ hơn một thế kỷ qua và hiện nay ngành kỹ nghệ này đang được nỗ lực phục chế.

Pháp Lam được trang trí tại nhiều nơi tại Kinh Thành Huế
Xem thêm:
  1. Click tham gia Group Tài Liệu Thuyết Minh Du Lịch
  2. Click Đăng ký theo dõi Kênh Youtube (Tour Guide Channel) dành cho Hướng dẫn viên 
  3. Bài Thuyết minh về Đại Nội Huế
  4. Bài thuyết minh 1 vòng bán đảo Sơn Trà
  5. Cuộc đời sướng khổ của Nam Phương Hoàng Hậu
  6. Những quy tắc khi đi phụ tour
  7. Thân thế của 18 vị La Hán trong phật giáo
  8. Ý nghĩa của tỳ hưu trong phong thủy
  9. Lý do các triều đại Vua Việt không có phòng vệ sinh
  10. Tài liệu thuyết minh về văn hóa Chămpa tại Việt Nam
  11. Tài liệu thuyết minh về chúa Nguyễn Hoàng
  12.  Tài liệu thuyết minh về Cửu Đỉnh tại Huế
Pháp lam là một thuật ngữ để gọi tên một sản phẩm thủ công mỹ nghệ được chế tác bằng cách tráng men nhiều màu lên bề mặt một số kim loại quý như vàng, bạc, đồng... Pháp lam xuất hiện ở Việt Nam vào khoảng đầu thế kỷ XIX. Pháp lam được xem là một báu vật quí hiếm, sang trọng dùng để trang trí trong cung điện, tôn miếu uy nghiêm. Do chỉ được sử dụng trong hoàng cung Huế nên thuật ngữ pháp lam Huế dùng để chỉ cho kỹ thuật chế tác pháp lam ở Việt Nam. Pháp lam Huế có mặt ở các triều đại vua Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức, dùng để trang trí ở những nơi như điện Thái Hòa (Đại nội Huế), điện Hòa Khiêm (làng Tự Đức), điện Biểu Đức (làng Thiệu Trị) hoặc làm đồ dùng trong cung như: bình hoa, bát, tô, ly, khay, đĩa, chum, hộp trầu... hay đồ tế lễ, thờ tự như: lư trầm, bát hương, quả bồng... Ngoài ra, pháp lam còn được dùng để trang trí các họa tiết hoa văn, bát bửu, thơ văn chữ Hán... trên các công trình kiến trúc ở cố đô Huế.

Để tìm hiểu thêm về pháp lam Huế, chúng tôi tìm đến nhà sưu tập (NST) cổ vật Nguyễn Tin, hội viên Hội Cổ vật TPHCM. Trong căn nhà ở đường Lê Đức Thọ, quận Gò Vấp, bên cạnh các vật sưu tập quý hiếm khác, NST Nguyễn Tin đã dành một vị trí trang trọng để trưng bày bộ sưu tập pháp lam Huế. Đó là các sản phẩm pháp lam sử dụng trong cung đình Huế và các dụng cụ thờ phụng, nổi bật trong bộ sưu tập là các bình hoa, chậu trồng cây cành vàng lá ngọc, quả bồng, chén đựng nước cúng hiệu đề Minh Mạng... Điều đáng lưu ý nhất là hầu hết các sản phẩm pháp lam mà anh sưu tập đều được mua tại Pháp (Ông Tin có khoảng thời gian du học tại Pháp - NV).

NST Nguyễn Tin bên bộ sưu tập pháp lam Huế
Theo nhận xét của ông Tin, pháp lam bao gồm 4 loại: Kháp ti pháp lam, sản phẩm chế tác bằng cách dùng những sợi tơ đồng mảnh và nhỏ kết thành các họa tiết gắn lên cốt bằng đồng, sau đó đổ đầy men pháp lam nhiều màu lên các ô trang trí rồi đưa vào nung nhiều lần, loại pháp lam này thường thấy ở Trung Quốc. Tam thai pháp lam, phương pháp chế tác giống Kháp ti pháp lam, chỉ khác chỗ hoa văn tô điểm bên ngoài. Thấu minh pháp lam, chỉ tráng men pháp lam trong suốt lên cốt bằng vàng, bạc, đồng sau khi được chạm nổi hay khắc chìm, rồi đem nung, loại sản phẩm pháp lam này được áp dụng nhiều ở Nhật Bản và các nước phương Tây. Khác với Trung Quốc hay Nhật Bản, pháp lam Huế được chế tác theo phong cách Họa pháp lam, là kỹ thuật dùng men pháp lam một hay nhiều màu vẽ các họa tiết lên cốt kim loại, sau đó đưa vào lò nung ở nhiệt độ cao. Đây cũng là nét đặc trưng của pháp lam Huế.

Theo các tài liệu, thư tịch và hiện vật pháp lam ở Bảo tàng Mỹ thuật cung đình Huế, cũng như trên các công trình kiến trúc thời Nguyễn cho thấy, kỹ nghệ chế tác pháp lam thời bấy giờ được các nghệ nhân Việt Nam tiếp thu, sáng tạo, làm nên những sản phẩm tuyệt mỹ. Để thực hiện công việc lớn lao này, nhiều nghệ nhân được cử đi học nghề ở Trung Quốc. Có thể nói, sự xuất hiện của pháp lam Huế là dấu ấn buổi thịnh thời của triều Nguyễn. Thế nhưng, từ nửa sau thế kỷ XIX do chiến tranh xảy ra, kinh tế sa sút dẫn đến thất truyền nền kỹ nghệ đặc sắc này và từ đó pháp lam Huế không còn được quan tâm như trước.

Những năm gần đây, khi đất nước Việt Nam đang trên đà phát triển và hội nhập thì việc phục hồi, tôn vinh các di sản văn hóa - nghệ thuật dân tộc được thể hiện rất rõ rệt. Và, pháp lam Huế hơn một thế kỷ thất truyền nay đã trở lại nhờ những bàn tay tài hoa của các nghệ nhân đất Việt, sau nhiều năm nghiên cứu và thử nghiệm kỹ thuật chế tác pháp lam Huế cổ. Pháp lam Huế ngày nay không chỉ dừng lại ở việc chế tác loại hình pháp lam họa truyền thống nhằm phục vụ cho việc trùng tu, bảo tồn các công trình kiến trúc thời Nguyễn mà còn đang nỗ lực kết hợp pháp lam với các ngành mỹ nghệ khác như chạm, khắc nâng sản phẩm pháp lam lên thành những tác phẩm vừa có giá trị về mặt hội họa vừa có hàm lượng nghệ thuật cao. Theo ông Tin, ngày nay pháp lam Huế được chế tác theo phương pháp truyền thống kết hợp với hiện đại.

Trên đất Việt qua bàn tay thợ Việt, những sản phẩm pháp lam Huế mang vẻ đẹp phóng khoáng, bố cục cũng thoáng hơn, phong cách thể hiện ngày càng phong phú về màu sắc, đa dạng về chủng loại. Các họa tiết hoa văn đều gần gũi với thiên nhiên và con người Việt Nam. Dẫu pháp lam Huế xưa chỉ xuất hiện trong hơn một thế kỷ qua, nhưng ngày nay nghệ thuật chế tác pháp lam Huế đang hồi sinh, nơi mà mỗi sản phẩm đều là biểu tượng của nền văn hóa dân tộc. Mặt khác, ngày nay khi xã hội ngày càng phát triển, các phương tiện kỹ thuật, máy móc hiện đại được đưa vào sản xuất, nghề làm mỹ nghệ pháp lam đã dần cải tiến, làm phong phú thêm nghề làm pháp lam cổ truyền thuở nào và những sản phẩm pháp lam Huế xưa dần lưu vào quá khứ, nhưng qua bộ sưu tập pháp lam Huế của Nguyễn Tin đã phần nào nói lên giá trị văn hóa của một thời vang bóng của đất kinh đô xưa của nước Việt...


Pháp lam được dùng trang trí trên cổng Ngọ môn kinh đô Huế xưa

Chén đựng nước - pháp lam hiệu đề thời Minh Mạng
Quả bồng - pháp lam thời Thiệu Trị
Huy hiệu - pháp lam thời Tự Đức



Quán tảy (chậu rửa tay) - pháp lam thời Tự Đức
Nguồn: Công An TPHCM

☀ Xem thêm nhiều bài thuyết minh tại: http://citytourdanang.com/lich-su-van-hoa  hoặc về lai TRANG CHỦ của BLOG NÀY

☀ Nếu bạn quên địa chỉ này hãy lên google gõ "tài liệu thuyết minh du lịch" bạn sẽ thấy trang này đầu tiên.





Sunday, August 20, 2017

Hình tượng hoa sen trong văn hóa Việt Nam

Từ bao đời nay, hoa sen đã đi vào lòng người, đi vào cuộc sống và văn hóa của người Việt.


Xem thêm:
  1. Click tham gia Group Tài Liệu Thuyết Minh Du Lịch
  2. Click Đăng ký theo dõi Kênh Youtube (Tour Guide Channel) dành cho Hướng dẫn viên 
  3. Bài Thuyết minh về Đại Nội Huế
  4. Bài thuyết minh 1 vòng bán đảo Sơn Trà
  5. Nguồn gốc và độ sâu sông Hàn Đà Nẵng
  6. Cuộc đời sướng khổ của Nam Phương Hoàng Hậu
  7. Những quy tắc khi đi phụ tour
  8. Thân thế của 18 vị La Hán trong phật giáo
  9. Ý nghĩa của tỳ hưu trong phong thủy
  10. Lý do các triều đại Vua Việt không có phòng vệ sinh
  11. Tài liệu thuyết minh về văn hóa Chămpa tại Việt Nam
  12. Tài liệu thuyết minh về cổng Ngọ Môn
  13. Video tài liệu về Cửu Đỉnh tại Đại Nội Huế

Mặc dù sinh ra trong bùn lầy nhưng hoa sen không bị ô nhiễm mà lại có khả năng làm thay đổi hoàn cảnh sống, vì hoa sen hễ mọc ở nơi nào thì sẽ làm cho nước đục nơi đó lắng trong.

Sen có cả hương lẫn sắc, nhưng hương sen không quá nồng mà dịu nhẹ, gợi một tinh thần cao thượng. Sắc sen kín đáo, đằm thắm, cánh trắng phớt hồng, nhụy vàng. Từ khi nở đến khi tàn không hề bị ong bướm bén mảng tới.

Qua bao ràng buộc để đến được chỗ khoáng đạt hư không, sen tiếp tục vươn lên dưới ánh Mặt Trời, khai nụ kết hoa, khoe sắc và xông hương tràn ngập không gian.

Sự hình thành của sen diễn ra theo quy luật nhân quả luân hồi. Sen có cả nụ-hoa-hạt. Hoa nở tượng trưng cho quá khứ, đài sen tượng trưng cho hiện tại và hạt sen tượng trưng cho tương lai, sự nối tiếp liên tục.


Chùa Một Cột lấy hình tượng từ bông sen. (Ảnh: TTXVN)
Vì vậy, hoa sen trở thành biểu tượng trong nghệ thuật Phật giáo của Phương Đông. Nó tượng trưng cho vẻ đẹp thần bí, huyền ảo, tư tưởng sâu kín.

Bông hoa sen cũng tượng trưng cho sự thanh cao, bất khuất của người quân tử, giữ chặt lòng mình trước cám dỗ của lợi danh, giữ cho mình sự trong sạch dù ở giữa chốn bùn nhơ.

Từ ý nghĩa tâm linh ấy, bông hoa sen đã đi vào tâm thức của người Việt Nam, trở thành hình tượng trong kiến trúc và điêu khắc của người Việt xưa, trong nghệ thuật, trong văn học, ẩm thực...

Cho đến tận hôm nay, khi bạn bè quốc tế đến với Việt Nam thì hình ảnh đầu tiên họ gặp là bông sen vàng trên những chuyến bay của Vietnam Airlines, hình ảnh biểu hiện cho sự khai sáng và hoàn mỹ; vừa đời thường lại vừa cao quý, linh thiêng; duyên dáng, mềm mại, nhưng không kém phần cứng cáp, đĩnh đạc, tượng trưng cho những con người Việt Nam dũng cảm kiên cường nhưng đôn hậu và cởi mở.

Hình tượng hoa sen trong văn học nghệ thuật

Khi nói đến hoa sen, là người Việt Nam chắc hẳn ai cũng thuộc câu ca dao:

"Trong đầm gì đẹp bằng sen

Lá xanh bông trắng lại chen nhị vàng

Nhị vàng bông trắng lá xanh

Gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn".

Khi xưa, Mạc Đĩnh Chi khi đứng trước vua Trần Anh Tông đã thể hiện rõ phẩm chất của mình qua bài phú “Ngọc tỉnh liên” (Hoa sen trong giếng ngọc).

Bài phú có đại ý vì hoa sen vốn có tiết tháo, thanh cao, không hoa nào sánh được, tuy gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn; mặt khác sen được trồng trong giếng ngọc thì càng cao quý.

Mạc Đĩnh Chi như bông hoa sen, dù có phải ở vào hoàn cảnh ô trọc thế nào thì cũng vẫn giữ khí tiết thanh cao.

Làng quê nơi Bác sinh ra cũng có tên là Làng Sen, và có lẽ hoa sen đẹp nhất khi được ví với hình tượng Bác Hồ, người cha già dân tộc, vị lãnh tụ kính yêu của nhân dân Việt Nam:

"Tháp Mười đẹp nhất bông sen

Việt Nam đẹp nhất có tên Bác Hồ".

Hoa sen trong mỹ thuật truyền thống của người Việt

Ở Việt Nam, đề tài hoa sen xuất hiện khá sớm trong nghệ thuật tạo hình. Hầu như ở thời nào, hoa sen cũng được các nghệ nhân thể hiện trong những nơi thờ tự hoặc ở các công trình văn hóa của cộng đồng.

Hoa sen trong mỹ thuật thời Đinh-Tiền Lê

Trên một số viên gạch lát nền cỡ lớn tại khu vực đền vua Đinh và đền vua Lê, ngoài đề tài trang trí chim phượng còn có đề tài hoa sen. Có loại hoa sen 16 cánh, có loại 14 cánh, có loại 8 cánh, có loại hoa sen có số cánh không cố định.

Đó là những sản phẩm khá đẹp. Điều đó chứng tỏ, tuy các thời Đinh-Tiền Lê ngắn ngủi nhưng đã sáng tạo ra những sản phẩm có dấu ấn đặc trưng trong lịch sử mỹ thuật nước nhà.

Hoa sen trong mỹ thuật thời Lý

Đây là thời kỳ Phật giáo phát triển mạnh, được coi như quốc giáo. Đề tài hoa sen được sử dụng nhiều trong các công trình liên quan đến Phật giáo như các bệ tượng Phật, những tảng đá kê chân cột, diềm cửa tháp, diềm bệ tượng... Hễ ở đâu có điều kiện thích hợp là nghệ nhân dùng ngay hoa sen để trang trí.

Đồ gốm thời Lý cũng có nhiều họa tiết hoa sen.

Hoa sen trong mỹ thuật thời Trần

Sang thời Trần, đề tài hoa sen vẫn được kế tục khai thác như trong tạo hình thời Lý. Trên một số đồ gốm hoa nâu thời này xuất hiện hình hoa sen với phong cách hiện thực sinh động.

Một điều duy nhất để phân biệt là các hoa văn trong lòng cánh sen thời Lý đôi khi có hình rồng, hoặc hoa dây, mà thời Trần hoàn toàn không có.

Cánh sen thời Trần thường chỉ chạm thêm một đường gờ chìm viền theo mép cánh và ở trung tâm mỗi cánh đôi khi được điểm các hạt tròn.

Hoa sen trong mỹ thuật thời Lê sơ

Vào thời Lê sơ, đạo Phật bị hạn chế, các chùa tháp không phát triển, nhưng hoa sen vẫn là loại đề tài được chú ý nhiều. Hoa sen không những được trang trí trên các bệ tượng Phật, trên các chân tảng cột chùa mà còn ở các thành bậc cung điện của triều đình và trên cả các bia tiến sĩ ở Văn Miếu.

Hình tượng hoa sen xuất hiện ở mặt ngoài thành bậc các cung điện như ở bậc điện Kính Thiên (Hà Nội), điện Lam Kinh (Thanh Hóa), Văn Miếu (Hà Nội).

Hình tượng hoa sen trong nghệ thuật tạo hình Việt là một đề tài rất phong phú, được thể hiện ở rất nhiều các hình thức trang trí mỹ thuật và kiến trúc đặc trưng riêng cho mỗi thời kỳ lịch sử dân tộc. Nó không chỉ mang lại giá trị vật chất cho cuộc sống, mà còn mang giá trị tinh thần vô giá với người Việt.

Chính vì vậy, hình tượng hoa sen không chỉ là cảm hứng sáng tác của các nghệ nhân xưa, mà ngày nay các họa sỹ hiện đại vẫn có nhiều tác phẩm thành công với đề tài hoa sen, qua nhiều cách nhìn và ngôn ngữ tạo hình khác nhau. Tất cả đều biểu đạt được giá trị thẩm mỹ vĩnh hằng của loài hoa đã thấm sâu vào tâm hồn dân tộc Việt.

Hoa sen trong văn hoá ẩm thực Việt Nam

Từ ảnh hưởng của hoa sen trong đời sống tinh thần mà người dân Việt Nam đã đưa sen lên đỉnh cao của văn hóa ẩm thực.

Các bộ phận trên bông hoa sen được biến chế thành những món ăn đặc trưng, mang đậm một hương vị Việt Nam như gỏi ngó sen, mứt sen, trà sen.

Sen hồ Tịnh Tâm của cố đô Huế ngày xưa được dùng để ướp trà cho vua. Người ta ướp trà vào ban đêm. Khi sen vừa hé nhụy là lúc trời đất đang giao hòa, hương còn rất đượm.

Trà được đặt vào trong lòng hoa rồi dùng dây buộc lại, ép không cho hoa nở ra, để qua hết đêm trà sẽ hấp thụ toàn bộ hương sen. Sáng hôm sau thì thu trà. Trà sen Huế vì thế có hương thơm thanh khiết và đậm đà đến say lòng.

Chè sen Huế với hạt sen tươi, bóc vỏ, lột lớp lụa mỏng, xoi tim rồi đem chưng cách thủy với đường phèn thì hương mới thơm.

Chè sen được múc trong bát cổ men sứ màu xanh nhỏ như “mắt trâu,” chỉ độ dăm bảy hạt sen vàng.

Trong các dịp lễ tết hay kỵ giỗ, chè sen là món quan trọng gần như không thể thiếu trong lễ phẩm. Cúng xong, chỉ một bát thôi là đã thưởng thức đủ cái “quốc hồn quốc túy” của xứ Huế rồi.

Ngoài ra, người Huế còn dùng sen để nấu cơm sen rất nổi tiếng trong các món ăn truyền thống Huế. Cách nấu cơm sen cũng hết sức cầu kỳ, chỉ có những người phụ nữ Huế thực thụ tính tình điềm đạm có bản sắc “tôn nữ” mới nấu được cơm sen.

Còn một nét đặc biệt nữa là người miền Bắc thường dùng lá sen để gói cốm. Hương đồng, cỏ nội quấn quyện với hương đồng cỏ nội!

Những hạt cốm xanh màu ngọc thạch trở nên dẻo và thơm lâu hơn khi nằm trong lòng chiếc lá sen tươi. Hương thơm dìu dịu của lá sen hòa quyện với hương cốm. Thật là một sự kết hợp hài hòa tuyệt vời mà bất cứ ai đã thưởng thức còn nhớ mãi./.

Tác giả: Phương Thảo (TTXVN)

 Xem thêm nhiều bài thuyết minh tại: http://citytourdanang.com/lich-su-van-hoa  hoặc về lai TRANG CHỦ của BLOG NÀY

 Nếu bạn quên địa chỉ này hãy lên google gõ "tài liệu thuyết minh du lịch" bạn sẽ thấy trang này đầu tiên.

Friday, August 18, 2017

Công chúa Huyền Trân với lịch sử dân tộc.

Lịch sử phong kiến Việt Nam với biết bao ông hoàng bà chúa, việc làm của họ ít nhiều đều có ảnh hưởng nhất định đối sự phát triển dân tộc. Công chúa Huyền Trân là một trong những con người như vậy. Chính bà là người có sự đóng góp công lớn trong việc mở mang lãnh thổ về phía Nam (phía Nam tỉnh Quảng Trị và toàn tỉnh Thừa Thiên Huế nay nay).

Xem thêm:
  1. Click tham gia Group Tài Liệu Thuyết Minh Du Lịch
  2. Click Đăng ký theo dõi Kênh Youtube (Tour Guide Channel) dành cho Hướng dẫn viên 
  3. Bài Thuyết minh về Đại Nội Huế
  4. Bài thuyết minh 1 vòng bán đảo Sơn Trà
  5. Nguồn gốc và độ sâu sông Hàn Đà Nẵng
  6. Cuộc đời sướng khổ của Nam Phương Hoàng Hậu
  7. Những quy tắc khi đi phụ tour
  8. Thân thế của 18 vị La Hán trong phật giáo
  9. Ý nghĩa của tỳ hưu trong phong thủy
  10. Lý do các triều đại Vua Việt không có phòng vệ sinh
  11. Tài liệu thuyết minh về văn hóa Chămpa tại Việt Nam
Công chúa Huyền Trân (Ảnh minh họa)
Ngày nay có nhiều nhân định về bà, trong đó thiên về hai luồng ý kiến đó là khen và chê: khen là việc bà góp phần mở mang lãnh thổ Đại Việt thế kỷ XIV; chê là vì bà vướng án tư thông với Thượng Thư Tả Bộc Xa Trần Khắc Chung.

Công chúa Huyền Trân (1287 – 1340), con gái vua Trần Nhân Tông và hoàng hậu Thiên Cảm, hạ giá lấy vua nước Champa Chế Mân. Chính nhờ cuộc hôn nhân này một mặt làm cho mối quan hệ giao bang Đại Việt – Chăm pa trở nên thân thiết gây áp lực đến Trung Quốc ở phương Bắc. Mặt khác, sau cuộc hôn nhân này, lãnh thổ của Đại Việt được mở rộng về phía Nam.

Công chúa Huyền Trân (Ảnh minh họa)
Sau khi đánh thắng quân Nguyên Mông, vua Trần Nhân Tông nhường ngôi cho con là Trần Anh Tông (1293 – 1314). Để chúc mừng vua Trần Anh Tông lên ngôi, vua của nước Chăm pa khi đó tên là Chế Mân, hiệu là Jaya Simhavarman III (? – 1307) sai sứ sang mừng. Tháng 3 năm Tân Sửu 1301, Thượng hoàng Trần Nhân Tông có dịp viễn du sang Chăm Pa. 

Để tăng cường thêm mối quan hệ hòa hiếu giữa hai đất nước Đại Việt – Chăm Pa, vua đã hứa gả con gái là công chúa Huyền Trân cho vua Chế Mân. Năm 1305, vua Chế Mân sai sứ là Chế Bồng Đài và hơn 100 người đem vàng, bạc, hương liệu quý, vật lạ đến dâng định xin sính lễ. Triều thần đều không bằng lòng, chỉ có Văn Túc Vương Đạo Tái và Trần Khắc Chung tán thành. Sau đó Chế Mân dâng phần đất của hai châu Ô và châu Lý làm vật sính lễ. 

Tháng 6/1306 công chúa Huyền Trân được đưa về Chăm, sự việc này được nhân sĩ thời bấy giờ lấy làm đề tài để chê cười như: “Tiếc thay cây quyế giữa rừng để cho thằng Mán, thằng Mường nó leo”, “Tiếc thay hạt gạo trắng ngần, đã vo nước đục lại vần lửa rơm”. Có thể nói đây là một cuộc hôn nhân mang đậm màu sắc chính trị. 

Cuộc hôn nhân này đã mang đến cho Đại Việt đất đai của hai châu Ô và châu Lý (năm 1307 được vua Trần Anh Tông đổi thành Thuận Châu và Hóa Châu). Các huyện Triệu Phong, Hải Lăng (Quảng Trị ngày nay) và huyện Phong Điền, Quảng Điền, Hương Trà (thuộc tỉnh Thừa Thiên Huế ngày nay) thuộc Thuận Châu xưa. Các huyện Phú Lộc, Phú Vang (Thừa Thiên Huế) và Hòa Vang (Đà Nẵng), Đại Lộc, Điện Bàn, Duy Xuyên (Quảng Nam) thuộc Hóa Châu xưa. Người Chăm pa đã mất cánh đồng Bình Trị Thiên và mất thêm cửa biển Tư Dung (nay là của biển Tư Hiền) thời ấy rất sâu và tiện lợi cho thủy quân Đà Nẵng.

Toàn cảnh Khu trung tâm văn hóa Huyền Trân tại thôn Ngũ Tây, phường An Tây, thành phố Huế
Một năm sau khi công chúa Huyền Trân về Chăm pa, đến năm 1307 vua Chế Mân mất. Theo phong tục của nước Chăm pa, khi vua chết thì hoàng hậu cũng bị thiêu chết theo. Vua Trần Anh Tông sợ em gái mình bị hại nên đã sai Thượng Thư Tả Bộc Xa Trần Khắc Chung và An Phủ sứ Đặng Vân lấy cớ điếu tang để đón công chúa Huyền Trân. Khi sang nước Chiêm, Trần Khắc Chung đã nói với người Chiêm rằng “nếu công chúa hỏa táng thì không ai chủ trương làm việc chay, chi bằng hãy ra bờ biển làm lễ chiêu hồn, đón linh hồn về, rồi công chúa sẽ lên giàn thiêu”. khi ra đến biển, Trần Khắc Chung dùng thuyền nhẹ cướp công chúa đưa về Đại Việt. Cuộc hành trình từ thành Chà Bàn về Thăng Long kéo dài 10 tháng, có ý kiến cho rằng hai người đã “tư thông” với nhau thì mới mất nhiều thời gian đến như vậy.

Điện thờ Công chúa Huyền Trân trong Khu trung tâm văn hóa Huyển Trân.
Tuy nhiên, về vấn đề này vẫn có quan điểm phủ nhận, vì cho rằng: Trần Khắc Chung là người giữ chức vụ lớn, tu thiền, được Nhân Tông khi đi tu rất yêu quý, khiến đề bạt tập sách “Tuệ Trung Thượng sĩ ngũ lục” do Pháp Loa biên tập và Nhân Tông hiệu đính. Phải là người có đạo đức thì mới được hân hạnh ấy. Mặt khác luật pháp nhà Trần rất nghiêm ngặt đối với tội tà dâm. Vậy mà sau khi từ Chăm pa về Trần Khắc Chung vẫn được trọng dụng.

Có thể nói, đến nay sự thật của câu chuyện như thế nào thì đã theo nhân vật chính xuống mồ, do đó sự thật đối với hiện tại là một điều bí ẩn, chính vì vậy mà quan điểm tốt – xấu về bà vẫn còn tồn tại. Tuy nhiên, dù cho tốt – xấu thế nào thì vai trò của và đối với công cuộc mở mang bờ cõi về phía Nam của Đại Việt là một điều không thể phủ nhận. Nói như vậy không có nghĩa là tất cả công lao đều thuộc về công chúa Huyền Trân nhưng bà chính là người trực tiếp đưa đến.

Nguồn: Thu Nhuần (Bảo tàng Lịch sử Quốc gia)



☀ Xem thêm nhiều bài thuyết minh tại: http://citytourdanang.com/lich-su-van-hoa  hoặc về lai TRANG CHỦ của BLOG NÀY

☀ Nếu bạn quên địa chỉ này hãy lên google gõ "tài liệu thuyết minh du lịch" bạn sẽ thấy trang này đầu tiên.