Monday, May 8, 2017

Đôi điều về lá cờ





Cờ là một biểu hiệu cho một thực thể hay một sắc lệnh, trong khi phướn mang ý nghĩa tâm linh nhằm triệu thỉnh và tiếp dẫn theo ý nghĩa hàng chữ ghi trên nó. Cờ thường gắn dọc một phần cán, còn phướn chỉ treo ở đầu cán. Cũng có trường hợp gọi là “kỳ” nhưng có cán phụ đính lá cờ và treo trên đầu cán chính nên trông như phướn: ví dụ Long Tinh kỳ, cờ ngũ sắc. Cũng lưu ý Long tinh kỳ thay đổi hình dáng nhiều lần. Vì thế sự phân biệt giữa cờ và phướn nên dựa vào phần đuôi: cờ không có đuôi (trường hợp cờ tinh có rìa viền quanh toàn bộ lá cờ), phướn có các dải đuôi dài, có khi là đuôi nhọn hay xẻ đuôi cá.

Tiếng Việt gọi gộp chung là cờ, thực ra có nhiều loại cờ và mỗi loại có tên tiếng Hán riêng.

– Cờ gọi là “kỳ” (旗): là loại cờ thông thường. Cụ Thiều Chửu định nghĩa: Cờ, dùng vải hay lụa buộc lên cái cán để làm dấu hiệu gọi là kỳ. Cờ kỳ là biểu trưng cho một thực thể, ví dụ quân Thanh có 8 bộ tộc hợp lại, mỗi bộ tộc có một cờ riêng nên gọi là bát kỳ. Quốc kỳ, đạo kỳ, … cũng theo nghĩa này.

– Cờ gọi là “đạo” (纛): là cờ lệnh vua ban. Cụ Thiều Chửu định nghĩa: Cờ tiết mao, Vua đi cắm một cái cờ ở bên tả xe gọi là tả đạo 左纛; Cái cờ cái, kéo ở trung quân cũng gọi là đạo, cũng đọc là độc. Khi ra quân vua ban cho lá cờ để xuất quân gọi là “đạo’ và trước khi đi làm lễ Tế kỳ đạo. Loại cờ này bao gồm 2 loại: cờ mao và cờ tiết, cờ mao bên trái và cờ tiết bên phải. Các quan khâm sai đời xưa được ban cho cờ mao và cờ tiết làm hiệu lệnh của vua đi thi hành công việc, nên đều thêu tên và chức vị rõ ràng. Cờ gọi là “mao” (旄): cờ ngọn lông. Cụ Thiều Chửu định nghĩa: Cờ mao, cờ có cắm lông đuôi con bò tót vào cán gọi là cờ mao. Nay thường dùng tao sợi để gắn vào. Cờ gọi là cờ “tiết” (薛): cũng tương tự như cờ mao, có tua ở đầu. Về hai cây cờ này Nguyễn Nhược Pháp có hai câu: “Hiu hắt cờ bay, tua phơ phất, Binh lính hò reo gầm bốn phương”.

– Cờ gọi là “xí” (幟): tức cờ hiệu. Từ này đồng nghĩa với chữ “phiên” (翻) hay dùng trong chữ kép “phiên hiệu”. Mỗi đạo quân, cơ quan có cờ hiệu riêng gọi là xí, ngày xưa khi thượng cờ xí phải thượng cờ đạo. Do vậy người Việt có từ “cờ xí” chỉ tất cả các lá cờ. Còn khi đi sứ thì cờ hiệu là cờ tinh. Cờ gọi là “tinh” (旌): cờ đầu cán có gù, quanh cờ có rìa viền trang trí (như hình Long Tinh kỳ). Ðời xưa ai đi sứ cũng cầm một cái cờ tinh đi, nên gọi kẻ đi sứ văn tinh 文旌 hay hành tinh 行旌. Người có đức hạnh gì đáng khen vua cho dựng nhà treo biển để tiêu biểu gọi là tinh. Từ “tinh kỳ” vì thế mà có. Thường cờ gọi là xí thêu phiên hiệu quân như “Trung quân”, “tả quân”, … còn cờ tinh thêu chữ “sứ”.


Nghi thức Lỗ bộ phải có 5 thứ cờ phướn: trang, phan , tinh, kỳ, mao, tiết. Đi đầu bên tả là cờ mao và bên hữu là cờ tiết để nghi vệ cho lệnh của Thần. Kế đến là cờ tinh (trong lễ hội là cờ thần) và cờ kỳ (ở Việt Nam là cờ ngũ sắc) để hiệu triệu quỷ thần dọc đường biết là đấng nào đi qua, tràng phan ghi những sắc phong hay câu kinh để nói oai linh của chư thần. Thời xưa Trung Hoa và Việt Nam có nhiều loại cờ nhưng không có cờ chung cho cả nước, chẳng có tư liệu nào nói điều này kể cả nhà bác học có nhận xét tinh tế như Lê Quý Đôn. Có thể thấy điều này qua nghi trượng của mấy vua triều Nguyễn đầu tiên. Khi vua và hoàng tộc du hành rất nhiều loại cờ dùng làm lỗ bộ nhưng Hội Điển Sự Lệ không hề nói đến cờ nước Việt Nam: Long kỳ (cờ thêu rồng), Phụng kỳ (cờ thêu phượng), cờ Cảnh Tất, cờ Tả đạo, cờ Nhị thập bát tú, cờ Ngũ sắc, cờ Huy hoàng, cờ Nhật nguyệt hợp tinh, cờ Minh phượng, cờ Hòa loan, cờ Ngự thủy, cờ Phong vân, cờ Quế tử lan tôn, cờ Phúc như đông hải, … (Hội điển Sự Lệ, quyển 79 – Nghi vệ)

Trong Phật giáo Bắc truyền có loại cờ gọi là “tràng” tức loại cờ dài; “tràng, phan, bảo cái” (cờ, phướn, lọng) là những thứ không thể thiếu trong một nghi lễ lớn. Nhìn chung trong tín ngưỡng có mấy loại cờ sau:

1.- Đạo kỳ (cờ đạo, nếu có): là cờ biểu trưng riêng cho một tôn giáo hay giáo phái.



1.1.- Phật giáo có lá cờ riêng, gọi là cờ ngũ sắc (xanh, vàng, đỏ, trắng và cam). Năm màu này tượng trưng cho năm sức mạnh gọi là ngũ lực: màu xanh tượng trưng cho Tín (lòng tin), màu vàng tượng trưng cho Tấn (sự cần mẫn), màu đỏ tượng trưng cho Niệm (phép quán niệm), màu trắng tượng trưng cho Định (sự tập trung tâm ý) và màu cam tượng trưng cho Tuệ (ánh sáng giác ngộ). Điều lý thú lá cờ này do một cư sĩ đại tá quân đội Mỹ Henry Steel Olcott đề nghị tại Tích Lan vào cuối thế kỷ thứ mười chín và được các nước Phật giáo chấp nhận. Ông này trước đây lại trong Hội Truyền giáo của Cơ Đốc giáo và là người sáng lập Hội Thông Thiên Học.



1.2.- Cờ Công giáo, tức Cờ Tòa Thánh hay cờ Vatican có hai phần: vàng và trắng. Màu vàng và trắng khi được dùng trong bảng huy hiệu thường tượng trưng cho hai kim loại quí từ thời rất xa xưa đó là vàng và bạc. Ở giữa phần trắng có huy hiệu của Đức Giáo Hoàng gồm có mũ Giáo Hoàng và hai chìa khóa thánh Phêrô.




1.3.- Cờ đạo của Cao Đài có ba màu vàng xanh đỏ (nên còn gọi là cờ tam thanh): phần trên hết là màu vàng, phần giữa màu xanh và phần dưới màu đỏ. Trên phần màu vàng có thêu 6 chữ Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ bằng chữ Hán màu đen, trên phần màu xanh có thêu Thiên Nhãn và Cổ pháp Tam Giáo (Xuân Thu, Phất chủ, Bát vu). Ý nghĩa tam thanh như sau: Thái Thanh, sắc vàng phái Phật, Cổ pháp Bình Bát Vu; Thượng Thanh, sắc xanh phái Tiên, Cổ pháp Phất chủ; và Ngọc Thanh, sắc đỏ phái Thánh, Cổ pháp Bộ Xuân Thu.



1.4.- Cờ đạo của Hòa Hảo rất đơn giản, chỉ là tấm vải màu dà. Màu dà tượng trưng cho Phật giáo, còn không có hình chữ nói lên ý nghĩa lời dạy sống đơn giản không phô diễn nghi thức của Đức Thầy.


1.5.- Đạo giáo do nguồn gốc tự phát từ dân gian nên có nhiều phái độc lập nhau, hình như không có lá cờ biểu tượng chung. Tùy mỗi phái có thể tự chọn một lá cờ riêng, thường là hình thái-cực âm dương hay bát quái. Khổng giáo chẳng có cờ riêng.


2.- Cờ ngũ sắc hay cờ lễ hội: hình vuông hay hình tam giác, có 5 màu lồng vào nhau: trong cùng màu vàng, đến màu đỏ, màu xanh lá, màu trắng và màu xanh lam; viền ngoài là tua rìa màu đỏ. Hiện nay có nhiều lá cờ ngũ sắc tháp màu sai, màu lá cờ có nền vàng ở giữa như hình trên là màu chính thống cho cờ lễ, đó là màu đại diện cho Việt Nam. Các màu sắc này không tuân theo ngũ hành mà có nguồn gốc xa xưa từ Mật tông Tây Tạng truyền thừa vào nước ta[1]. Năm hình vuông đó chính là kim cang giới mạn-đà-la Ngũ trí Phật, mỗi màu tượng trưng cho một vị phật: Trung ương là Đại Nhật Phật màu trắng, phía Đông A Súc Bệ Phật (còn gọi là Bất Động Phật) màu xanh lam, phía Nam là Bảo Sanh Phật màu vàng[2], phía Tây là A-di-đà Phật màu đỏ, và phía Bắc là Bất Không Thành Tựu Phật màu xanh lục. Nguyên lai Mạn-đà-la của Bà-la-môn giáo hình tròn, sang Phật giáo biến cách có khi tròn có khi vuông hay tam giác, nên lá cờ ngũ sắc thường là vuông và có khi tam giác. Thứ đến, do vị trí Việt Nam ở hướng nam Tây Tạng nên lấy màu vàng làm chủ đạo và đồng thời lý giải vì sao có đến hai màu xanh. Trong tiềm thức, các phật tử vẫn cứ dùng lá cờ ngũ sắc trong các buổi lễ Phật giáo dù không giải thích được do lãng quên. Vấn đề này không phải chỉ là ước đoán, trong Hội Điển Sự Lệ[3] ghi năm Minh Mạng thứ 7 có quy định: “chuẩn lời tâu về cờ đài kinh thành, chế dùng cờ to trừu[4] lông vàng tươi, rộng 10 thước dài 11 thước 5 tấc” [Cuốn 13, trang 481], và cũng trong năm này mô tả cụ thể hơn: “Cho cờ trụ lớn kỳ đài trong lòng bằng 5 khổ trừu lông màu hạnh hoàng để đo đều dài 7 thước 5 tấc 5 phân, nối trừu lông các màu lam. lục, trắng đều rộng 3 tấc 5 phân, viền trừu lông đỏ có hoa rộng 8 tấc, tính ra dài suốt 9 thước 5 tấc rộng 9 thước 1 tấc” [trang 485]. Đó chính là màu lá cờ vuông ngũ sắc truyền thống chí ít trên 100 năm trước đây nền giữa lá cờ là màu vàng và không có ngôi sao nào cả.

Thêm nữa, điều này kiến giải vì sao tâm thức Việt hay lấy màu vàng làm nền mà ít ai quan tâm nguyên do; ví dụ khi nói đến Bà Triệu là “Đầu voi phất ngọn cờ vàng”. Văn học không thiếu màu cờ này, Nguyễn Nhược Pháp mô tả cảnh Nguyễn Biểu từ giả vua Trùng Quang đi sứ, có câu:

Sứ bỗng nhìn quanh buồn ủ rũ,

Xa xa ngọn cờ vàng phất phơ.

Cho nên cờ đời Nguyễn, với tầng lớp quan lại Nho học cao thâm lựa chọn, luôn lấy màu vàng làm nền. Lẽ đương nhiên một người học rộng hiểu sâu như Trần Trọng Kim không phải không suy nghĩ khi lên làm thủ tướng đã chọn nền màu vàng cho lá quốc kỳ có quẻ ly màu đỏ.

Thế nhưng, trên Wikipedia có người viết không chuẩn xác về lá cờ này, nội dung như sau: “Thời Hùng Vương, nước Văn Lang là một quốc gia theo mô hình sơ khai liên bang, tức là liên minh giữa các bộ lạc. Các bộ lạc có sự ràng buộc lỏng lẻo, mỗi “bang” (bộ lạc) có nền kinh tế và quân sự gần như độc lập do điều kiện địa lý và phương tiện vận chuyển thời bấy giờ còn thô sơ. Những lá cờ của các bang, còn gọi là cờ Ngũ sắc, cờ lễ hội, cờ truyền thống…, tùy theo phương vị mà chọn màu ở trung tâm và sao xác định phương vị của bang đó]. Thí dụ: Bang phương Bắc có sao Huyền Vũ ở trung tâm lá cờ có sắc màu xanh dương. Bởi vậy, cờ truyền thống cách đây 100 năm còn vẽ, hoặc thêu các chòm sao trên đó” (2012).

Bài này có mấy điểm đáng ngờ: a) Chưa có sử liệu chính thống và di chỉ khảo cổ nào nói đến lá cờ Văn Lang[5], b) Thuở Hùng Vương nước chia làm 15 bộ[6], nếu mỗi “bang” có 1 lá cờ thì phải có 15 cờ và như vậy an theo phương theo bài viết có nhiều bất ổn. Và các di chỉ khảo cổ cho thấy ngoài Mặt trời trên trống đồng thời Hùng Vương không có tục thờ sao nên không thể có hình các sao ở giữa và như dẫn chứng ở trên chắc chắn thời Nguyễn cờ Ngũ sắc không có nền đỏ ở giữa với hình ngôi sao; và c) Khái niệm Huyền Vũ màu xanh lam hoàn toàn sai vì tượng Huyền Vũ là rùa rắn có màu đen. Hơn nữa thời Hùng Vương chưa có mối giao lưu đến mức chịu ảnh hưởng “Huyền Vũ Trung Hoa” như gán ghép.


3.- Cờ lệnh: các đạo sĩ dùng lá cờ này để điều động binh tướng (âm binh) thi hành lệnh ban ra. Hình thái này nhái theo cờ lệnh của triều đình giao cho sứ giả đi thi hành công việc. Cờ lệnh Đạo giáo thường hình tam giác, luôn có thêu hình chữ bùa để làm hiệu lệnh sai khiến thế lực siêu hình hành động. Trong các buổi lên đồngthỉnh thoảng thấy thanh đồng đeo sau lưng các lá cờ, đó là “cờ lệnh” của vị thánh giáng đồng. Cờ ngũ phương (ngũ phương kỳ): là 5 lá cờ có màu theo Ngũ hành dùng để trấn năm góc đàn tràng khi bài bố đàn tràng theo ngũ hành, có thêu chữ bùa, cũng là loại cờ lệnh.


Còn cờ lệnh của Phật giáo gọi là “tràng” (幢), nghĩa là lá cờ dài. Theo cụ Thiều Chửu nói: Cái tràng, một thứ cờ dùng làm nghi vệ. Nhà Phật viết kinh vào cờ ấy gọi là kinh tràng 經幢, khắc vào cột đá gọi là thạch tràng 石幢. Ở Phật giáo các lá tràng đều ghi một câu kinh như là hiệu lệnh của Phật pháp cho chúng sinh, quỷ thần phải tuân phục. Khảo cổ cho thấy đời nhà Đinh có một thạch tràng khắc dòng chữ “Phật Ðính Tối Thắng Già Cú Linh Nghiệm Ðà La Ni”, còn chùa Nhất Trụ vẫn lưu lại Thạch Tràng đời Lê Đại Hành như hình trên.Tháng 8 năm 2012

Chú thích :

[1] Mật tông truyền vào Việt Nam trễ lắm vào thời nhà Đinh[1] và sau đó nổi tiếng có những thiền sư Đạo Hạnh, Minh Không, … Nói trễ nhất vào đời nhà Đinh vì mốc này dựa vào chứng cứ khảo cổ cột khắc chân ngôn Đà-la-ni của Đinh Liễn. Điều này cho thấy Mật tông có mặt trước Đinh Liễn rất lâu mới có tác động lớn đến vua chúa như vậy.

[2] Lấy nền là màu đỏ là do “ảnh hưởng” Ngũ hành của Trung Hoa, điều này làm lá cờ trở nên mâu thuẩn vì Việt Nam không ở phương tây của Tây Tạng (mạn-đà-la Phật giáo không có ở Ấn Độ). Có lẽ đây là “sáng chế” của những nhà nghiên cứu bị nhiễm văn hóa Trung Hoa và cũng có thể mang tính tuyên truyền của nhà nước XHCN vì chỉ mới thấy màu này xuất hiện từ năm 2000. Chúng ta nên lưu ý từ khi giành độc lập, nhà Đinh, Lý và Trần luôn cố hạn chế ảnh hưởng Trung Hoa, kể cả bằng việc du nhập văn hóa Chiêm Thành để cân bằng. Các tài liệu cho của các nhà nghiên cứu người Pháp đều ghi lá cờ ngũ sắc lấy màu vàng làm nền ở giữa.

[3] Nguyên chữ Khâm Định Đại Nam Hội Điển Sự Lệ, do Nội Các Triều Nguyễn biên soạn, Cao Huy du Dịch, nhà xuất bản Thuận Hóa phát hành năm 1993.

[4] Trừu: một thứ lụa.

[5] Thuở xưa khi đi sứ thường cầm theo cờ tinh, đó không là quốc kỳ mà là cờ hiệu phái đoàn do vua ban. Đến đầu triều Nguyễn cũng chưa có quốc kỳ nên khi phái bộ Phan Thanh Giản qua Pháp lúng túng về chuyện này. Mau trí đoàn sứ thần lấy vải bọc tay nải màu vàng đền ba chữ “Đại Nam Quốc” làm cờ để cho đúng nghi lễ. Chẳng hiểu sao sứ đoàn không mang theo tinh kỳ, lấy tinh kỳ thay vẫn hay hơn. Sau đó nhà Nguyễn mới làm cờ nước; tương tự Trung Hoa đến đời Thanh mới có quốc kỳ.

[6] Đại Việt Sử Ký Toàn Thư nói Văn Lang chia làm 15 bộ là: Giao Chỉ, Chu Diên, Vũ Ninh, Phúc Lộc, Việt Thường, Ninh Hải, Dương Tuyền, Lục Hải, Vũ Định, Hoài Hoan, Cửu Chân, Bình Văn, Tân Hưng, Cửu Đức.

Nguồn: Nguyễn Đức Chính (NCLS)

Xem thêm nhiều bài khác tại: ĐÂY hoặc chính trang này

No comments: