Thursday, May 11, 2017

Kho tàng chôn giấu trong Đại Nội, sự thật hay tin đồn?

Đại Nội ở đâu?

Người Huế quen gọi nơi này là Đại Nội, sách vở và người nơi khác gọi là hoàng thành.

Cơ sở vật chất của Kinh đô Huế xưa do Nhà Nguyễn xây dựng gồm Kinh thành Huế, bên trong có Đại Nội; trong Đại Nội có Tử Cấm thành, tất cả cùng nằm trên trục Tây Bắc – Đông Nam. Mời xem bản đồ.

Xa xứ , nghe tin đồn

Bấy giờ vào khoảng năm 1987, người viết đang sống tại Đà Nẵng. Một người bà con có việc vào Đà Nẵng, ghé thăm, nói chuyện quê nhà, có hỏi “Anh ở Đà Nẵng có nghe nói nhà nước đào được kho vàng trong Đại Nội không?

Họ nói nhà nước biết được kho vàng để đào là do người con vua Duy Tân cung cấp bản đồ để đổi lấy việc chính quyền cho phép ông ta đem hài cốt vua cha về cải táng tại An Lăng”. Tôi trả lời không biết. Trong hoàn cảnh của tôi lúc bấy giờ, mang thân phận một cựu tù cải tạo, ngày ngày đi làm thợ chạy máy của một hợp tác xã sản xuất văn phòng phẩm, kiếm cơm không đủ ăn, làm chi có thì giờ để nghe ngóng chuyện gần chuyện xa này nọ. Năm sau, khi có dịp về thăm Huế, nhớ lại việc này, tôi đem ra hỏi một số người, đa số không biết, còn người tạm gọi là “biết”, “có nghe nói” thì tin tức mơ hồ, cũng chỉ là tin đồn. Khi gặp người cháu là công nhân viên của một cơ quan đóng trong Đại Nội và hỏi thì câu trả lời là “Chuyện kho vàng kho bạc cháu không biết, chuyện vua Duy Tân cháu cũng không biết nhưng có một thời gian đâu chừng tuần lễ, người ta cấm vô ra Đại Nội. Coi như Đại Nội bị phong tỏa, không biết việc chi.”



Cuộc hồi hương muộn màng


Vua Duy Tân

Nhà Nguyễn là triều đại quân chủ cuối cùng của Việt Nam, trị vì 143 năm (1802-1945), trải qua 13 đời vua mà Duy Tân là đời vua thứ 11. Năm 1907, người Pháp gây áp lực buộc vua Thành Thái phải thoái vị, lấy cớ ông bị tâm thần mà thực chất là mang tinh thần chống đối; họ đồng ý để ông chọn Hoàng tử thứ 5 tên Vĩnh San, mới 8 tuổi (ta) đưa lên kế vị, tức vua Duy Tân (1907-1916) Thông minh, yêu nước, tuy chưa có kinh nghiệm về chính trị nhưng với bầu máu nóng hừng hực của tuổi 16, vua đã tham gia cuộc binh biến tại Huế vào tháng 5 năm 1916 do hai ông Trần Cao Vân và Thái Phiên cầm đầu, nhằm lật đổ người Pháp tại Trung kỳ nhưng thất bại. Vua bị bắt và sau khi chiêu dụ vua trở lại ngai vàng không được, Pháp đã đày cả hai bố con sang đảo Réunion, một thuộc địa khác của Pháp ở Phi châu. Trong Thế chiến II (1939-1945), Cựu hoàng Duy Tân tham gia hàng ngũ kháng chiến Pháp trong phe tướng De Gaulle chống lại Quốc xã Đức. Ở vào tuổi trung niên, có ý thức chín chắn về chính trị, có mối quan hệ tốt với người cầm đầu nước Pháp lúc bấy giờ là tướng De Gaulle, Cựu hoàng Duy Tân đang có một toan tính cho một nước Viêt Nam độc lập và tiến bộ nhưng đành bỏ dở ở tuổi 45 do tử nạn trong chuyến bay ngày 25/12/1945 trên không phận Phi châu. Sau một thời gian vận động, Hoàng tử George Vĩnh San (Nguyễn Phúc Bảo Vang) cùng chị em trong gia đình đã đem di cốt Cựu hoàng từ Phi châu về Huế và làm lễ cải táng rất long trọng vào tháng 4 năm 1987 tại An Lăng, nơi nội tổ của vua là Dục Đức và phụ vương là Thành Thái vốn đã an nghỉ ở đó từ mấy mươi năm về trước.

Có lẽ cuộc trở về cố hương này của Cựu hoàng vào năm 1987 cùng với việc phong tỏa Đại Nội trong một thời gian ngắn vào thời gian đó đã dấy lên lời đồn về sự khai quật kho vàng trong cung cấm như đã nói trên. Thực hư của kho báu này chưa thể xác minh nhưng chuyện chôn giấu kho tàng trong Đại Nội là điều có thật, sử sách ghi chép giấy trắng mực đen rõ ràng.

Kho tàng tìm được dưới triều Thành Thái

Bấy giờ là tháng 6 (Âm lịch) năm Thành Thái thứ 11, Dương lịch là tháng 7 năm 1899. Lúc đó, vua 20 tuổi, đã trưởng thành, Phủ Phụ chính đã bãi bỏ, vua trực tiếp cầm quyền với sự phụ giúp của Viện Cơ Mật gồm thượng thư 6 bộ. Trong phiên hội thương (1) trong tháng ấy, Khâm sứ Trung kỳ Boulloche nói cho các đại thẩn Viện Cơ Mật biết ông ta có nhận được một giấy báo cùng qua lời kể của Hoằng Trị Quận vương Hồng Tố (em vua Tự Đức), thì trong các đời Minh Mạng (1820-1840), Thiệu Trị (1841-1847), các vua đã cho chôn nhiều vàng bạc trong khu vực Đại Nội, nay biết rõ nơi chôn giấu, yêu cầu Nam triều hợp cùng Tòa Khâm lập hội đồng khai quật. Viện Cơ mật trình lên, vua chuẩn y và hội đồng khai quật thành hình. Bên Nam triều có: Quận vương Hồng Tố, Thương thư bộ Công Nguyễn Thuật, Thượng thư Bộ Lễ Huỳnh Vĩ, Quận công Ưng Huy, Tham biện Tôn Thất Hoài Điển. Phía Pháp có hai đại diện là Hội biện Sô Lê và Đô Ty.(2)

Một trăm phu mạnh khỏe được triều đình cấp theo hội đồng làm việc. Kết quả, người ta đào được một hầm bạc thoi, loại bạc thoi tam tích ngân điều mà dịch giả Cao Tự Thanh đã dịch là bạc ba vết và chú thích rằng đấy là loại bạc chuẩn của triều Nguyễn, trên thân có 3 cụm chữ triện.

Theo đề nghị của Boulloche, tất cả số bạc thoi này giao cho bộ Hộ quản lý. Thượng thư bộ Hộ Trương Như Cương sẽ cùng Hộ biện Đô Ty chở ra Ngân hàng Hải Phòng đổi thành tiền giấy, dùng chi vào việc công ích. Trong một cuộc hội thương sau đó, Khâm sứ Boulloche báo cho biết mỗi nén bạc đổi được 15 đồng 5 hào, trừ phí tổn chuyên chở và thuế Thương chánh (100 đồng đóng 1 đồng) thì “…tổng cộng còn 460.350 đồng, hiện gởi ở Ngân hàng Thượng Hải, mỗi năm tiền lãi được 2%, khoản lưu ký 300.000 đồng thì ngân hàng ấy cho vay mỗi năm lấy lãi 5.5%, còn khoản ngoại ký 150.350 đồng trả lãi 2%, nếu bản quốc cần dùng thì lấy ở Ngân hàng Đà Nẵng. Bề tôi Cơ mật viện nghĩ xin ưng thuận, bèn do Phó Ngân hàng Saigon Ma Di biên nhận hai tờ, một tờ biên nhận ngoại ký 160.350 đồng trả lãi 2%, một tờ biên nhận bản quốc cho vay 300.000 đồng trả lãi 4% , đến hạn giao trả. Bộ hộ tâu lên, chuẩn cho thi hành, giao hai tờ biên nhận ấy cho Phủ Nội vụ nhận giữ, hàng năm tới quý khố chiểu số nhận tiền lãi) (Đại Nam Thực Lục chính biên đệ lục kỷ, Phụ biên, bản dịch của Cao Tự Thanh, gọi tắt Thực lục 6-PB, Điều 0917, tr.352-353)

Có lẽ tin tức về cuộc đào bới tìm của chôn giấu này trong Đại Nội loan ra ngoài không ít nên Thực lục đã ghi nhận sự kiện với một chi tiết cho thấy hội đồng đã làm việc rất thận trọng, ấy là “Trước nay, việc đào bới tìm của cốt phải rõ ràng chi tiết nhằm tránh việc người sau nghi ngờ đào bới, để không bao giờ còn xảy ra chuyện như thế nữa. Kế chuẩn cho Quản biện Thị vệ Tôn thất Hoài Điển đốc suất quan binh trong đại nội lấp chặt những nơi đào lên, sửa lại như cũ” (Sách đã dẫn, tr.352)

Đào mả không Bài

Có lẽ việc đào bới tìm kiếm kho tàng thành công của Khâm sứ Bulloche theo nguồn tin của điểm chỉ viên đã “khích lệ” người sau nên đến Huế nhận chức Khâm sứ Trung kỳ vào đầu năm 1912, thì một năm sau đó Mahé đã gây sửng sốt và bàng hòang cho các đại thần Phủ Phụ chính khi đề nghị lập hội đồng đào bới tìm vàng bạc; lần này không phải trong Đại Nội mà ngay trong lăng Tự Đức, nơi căn giữa của điện Hòa Khiêm! Sự việc xảy ra trong khoảng cuối năm 1912-đầu năm 1913. Thực lục 6 Phụ biên ghi nhận như sau:

1815 . Khâm sứ đại thần Mahé hội thương nói nghe báo ở gian giữa điện Hòa Khiêm vốn có chôn nhiều vàng bạc, nên bàn ủy Hữu Tôn khanh Phủ Tôn Nhân Ưng Hào, Tả Tham tri bộ Lễ Mai Hữu Dực, Phụng hộ Phó sứ Tùng Lễ hội đồng với hai viên Hội biện Lại Hộ lập tức tới nơi đào lên lấy số vàng bạc ấy giao cho Phủ Nội vụ để làm việc có ích. Bề tôi Phủ Phụ chính kính chiểu tôn điện là nơi trang trọng, ai báo tin ấy hư thực chưa rõ nhưng thế khó bàn bạc cản trở[VHA nhấn mạnh] nên bàn định chờ xem khám nghiệm thế nào sẽ có thưởng phạt để tỏ rõ sự khuyến khích trừng phạt. Bèn ghi lại biên bản tâu lên để vua rõ. Sau đó hội đồng đào lên, qua hơn 10 ngày không có gì cả, kế quý tòa nói đã có lời Toàn quyền đại thần bàn dừng lại để khỏi ngờ vực náo động. Ngày 30 tháng giêng năm sau chuẩn lấy Hiệp biện đại học sĩ Thượng thư bộ Lễ Huỳnh Côn, Tham tri bộ Lễ Cao Đệ cùng Hội biện Lại chính , Đốc công cùng các viên trong hội đồng tới nơi xét khám trù nghĩ lấp lại như cũ, dự trù chi phí hơn 2.000 đồng, bàn trích tiền lưu lại chi biện. Khâm sứ Mahé cũng vì việc ấy không có hiệu quả nên tháng 3 năm sau về nước (về việc này đại thần bộ Công Nguyễn Hữu Bài không dự, đương thời có câu “Bỏ vua không Khả (tức nguyên Thượng thư sung đại thần quản lãnh Thị vệ Ngô Đình Khả), bới mả không Bài) (Sách đã dẫn, tr.626-628). [Theo dịch giả, nguyên văn câu này viết chữ nôm]

Chỉ vài hàng vắn tắt nhưng qua đó có thể thấy rõ thái độ hung hăng, trịch thượng của Mahé, muốn làm cho bằng được và sự ngỡ ngàng, lúng túng khó xử của các quan — “thế khó bàn bạc cản trở“. Động đến mồ mả của thường dân đã là việc quan trọng huống hồ là lăng tẩm của một ông vua. Trong khi các quan gần như thảng thốt nghẹn ngào không (dám) nói nên lời thì người duy nhất lên tiếng cản trở là Thượng thư bộ Công Nguyễn Hữu Bài, và tin này khi tiết lộ ra ngoài đã được dư luận chốn kinh đô ghi nhận qua câu vè “Đào mả không Bài”. Thực lục ghi là “Bỏ vua không Khả, bới mả không Bài” nhưng người Huế quen thuộc với “Đày vua không Khả, Đào mả không Bài” hơn. Có lẽ Quốc Sử Quán thấy chữ đày nặng quá nên thay bằng bỏ cho nó nhẹ đi. Về chữ mả cũng không nên hiểu cụ thể sát rạt là nơi có nắm xương người đã khuất yên nghỉ dưới ba thước đất mà nên hiểu là trong khuôn viên lăng vua, giới hạn bởi la thành, là thành xây bao bọc khuôn viên ở vòng ngoài.

Năm xảy ra sự việc này vua Duy Tân mới được 14 tuổi (ta) nhưng đã ý thức sâu sắc nên có thái độ phản đối gay gắt như khiển trách các đại thần và không tiếp khách Pháp, Toàn quyền Albert Sarraut ở Hà Nội được tin phải ra lệnh ngưng ngay việc làm thất nhân tâm đó và vào Huế giải quyết tạm ổn. Tuy nhiên vết thương lòng này cùng với việc vua cha Thành Thái bị truất phế và an trí ở Ô Cấp không dễ gì nguôi ngoai nên hai năm sau , khi Trần Cao Vân bí mật liên lạc và dâng mật sớ gợi lại những việc làm mang tính cường đạo của Pháp thực dân thì vua hưởng ứng việc chống Pháp ngay.

Kho tàng tìm được dưới triều Duy Tân

Lần tìm được hầm bạc dưới triều Thành Thái là do phản quốc chỉ điểm nhưng lần phát hiện hầm bạc dưới triều Duy Tân là do tình cờ. Bấy giờ là mùa Thu, tháng 7, năm Duy Tân thứ 9 (tháng 8 năm 1915), vua mới 16 tuổi, còn vị thành niên nên việc triều chính do Phủ Phụ chính đảm trách.

Tử Cấm thành trong Đại Nội có 7 cửa vào ra (Đại Cung môn, Hưng Khánh, Đông An, Nghi Phụng, Tường Loan, Tây An và Gia Tường) trong đó hai cửa Tường Loan và Nghi Phụng mở ra ở mặt bắc (xem số 5 và 6 trên bản đồ) để tiện vô ra Đại Nội bằng cửa Hòa Bình.

Lúc bấy giờ, đang khi biền binh đào đất ở cửa Tường Loan để sửa ống nước thì đụng phải một hầm gạch. Thấy sự lạ, 3 viên quan phụ trách giám sát công trình là Lang trung bộ Công Nguyễn Văn Hiền, Kiểm biện Nguyễn Thuận Phát và Bang biện Trần Đỉnh lập tức cho dừng công tác và báo lên Phủ Phụ chính. Phủ báo ngay cho Khâm sứ Charles và tất cả cùng đến tại chỗ chứng kiến việc đào bới. Trong hầm gạch có nhiều hòm gỗ, hai đầu hòm có đai sắt để giữ chặt nhưng gỗ đã mục vỡ, để lộ bạc thoi trong đó. Biết đấy là bạc của Đại Nội, Khâm sứ Charles và Phủ Phụ chính cử ngay một hội đồng giám sát việc khai quật. Hội đồng, bên phía Nam triều cóTả tôn khanh Ưng Huy, Tham tri bộ Hộ Hồng Khẳng, Tham biện Phủ Phụ chính Đặng Ngọc Oánh, Quản biện Thị vệ Nguyễn Văn Liên, Thị lang bộ Công Phạm Hữu Điển; bên phía Pháp có Hội biện Châtel của bộ Lai và Hội biện Orband của bộ Hộ.

Khi việc đào bới hoàn tất, hội đồng kiểm kê, thấy có tất cà có 60 hòm gỗ chứa tổng cộng 10.000 hốt bạc, 1 đồng kim tiền, khắc chữ Phú thọ đa nam (giàu có, sống lấu, nhiều con trai) một đồng tiền đồng đỏ (cũng khắc chữ ’Phú thọ đa nam’), 28 đồng tiền đồng và một tấm bia đá. Trên bia đá khắc 16 chữ Giáp ngọ cát nhật, thập vạn bạch câm (kim). Vĩnh cung quốc dụng, Thùy cảm hoặc xâm (‘Giáp ngọ ngày tốt, Mười vạn bạc ròng, Lưu làm quốc dụng, Ai dám riêng lòng’ Thực lục 6-PB, tr.352). Phủ Phụ chính đem việc tâu vua rõ, vua Duy Tân chỉ thị hãy bản định cách sử dụng số bạc đó sao cho hữu ích và hợp lý. Bấy giờ, Thế chiến I (1914-1918) đang diễn ra kịch liệt ở châu Âu và Pháp đang lâm chiến với Đức; vua và các quan Nam triều đều có bỏ tiền túi ra đóng góp giúp đỡ quân phí và chính quyền Pháp ở Đông Dương cũng đã phát hành công trái đế giúp chính quốc. Vì vậy, trong phiên hội thương tiếp sau vụ khui hầm bạc, Khâm sứ Charles, sau khi bày tỏ sự biết ơn về việc vua quan Nam triều nhiệt tình đóng góp giúp đỡ quân phí, đã đưa ra đề nghị “… hiện nay có bán trái phiếu quân dụng, nếu giao 20.000 đồng trong khoản bạc này và nhà nước xuất ra 50.000 đồng, cộng 70.000 đồng mua trái phiếu ấy thì ngày khác tiền lãi sẽ chiểu theo trả lại hết,đó cũng là một cách giúp đở binh phí. Còn nạn dân bị lụt ở Bắc kỳ, nghĩ nên cấp 10.000 đồng. Tới như các nhà thương, nhà thuốc, phòng thuốc ở Trung kỳ, chi phí vẫn còn dư dật, việc cấp cho 10.000 đồng xin đình lại. Còn lại số bạc bao nhiêu cứ do Phủ Nội vụ vào sổ lưu trữ sẽ nghĩ tiếp” (Thực Lục 6-PB, Điều 0917, tr.352-353)

Phủ Phụ chính, sau khi bàn bạc đã đi đến quyết định: 10.000 hốt bạc quy ra tiền là 150.000 đồng. Trước hết xin trích ra 1.000 hốt kính dâng vua, giao cho Phủ Nội vụ (3) cất giữ, khi nào vua cần chi tiêu việc gì thì chỉ thỉ Phủ Nội vụ thi hành, còn lại, chi 70.000 đồng cho công trái, cấp 10.000 đồng cho nạn dân Bắc kỳ (số dư, không thấy Thực lục nói để vào đâu, dùng vào việc gi). Vua chuẩn y.

Đến ngày 29 tháng 8 (ta, cũng ở khu vực cửa Tường Loan, “…trong khi đào gạch lát nền lại chạm vào một phiến đá, ngẫu nhiên nhặt được một đồng tiền đồng hạng lớn, nghĩ là hầm chôn bạc, cũng lập tức trình lên bề tôi Phủ Phụ chính trước mặt tâu lên đưa vua tới xem, lại bàn với Khâm sứ đại thần Charles tới xem, bàn nghĩ đào lên. Phụng lời chuẩn y bèn ủy cho hội đồng quý quan Nam quan lần trước phái sức binh đinh đào lên, lấy được một đồng kim tiền (khắc chữ Minh Mạng thông bảo, trở xuống cũng thế) 1 đồng tiền đồng đỏ, 28 đồng tiền đồng, một tấm bia đá (trong khắc 16 chữ ‘Minh Mạng Giáp ngọ, Tàng thập vạn ngân, Quốc nô phất quỹ, Vĩnh tích trần trần – Minh Mạng Giáp ngọ, Cất bạc trăm ngàn, Của nước không thiếu, Chất chứa muôn vàn) và 70 cái hòm gỗ, hội đồng mở ra kiểm điểm lại được 10.000 hốt bạc thỏi, cũng giao Phủ Nội vụ nhận giữ, dâng phiếu tâu lên để vua rõ (Sách đã dẫn, tr.693-695)

*

Việc 3 lần đào được hầm bạc trong Đại Nội đã được ghi vào sử sách hẳn hoi cho phép chúng ta có thể đặt ra những câu hỏi sau:

– Ngoài bạc, liệu các vua có chôn vàng không?

Có thể là không, vì kho tàng triều Nguyễn không có nhiều vàng đến mức phải chôn bớt để dành cho con cháu về sau. Huống nữa, nếu có thì cũng dùng khá nhiều để trả nợ chiến phí cho Pháp và Tây Ban Nha dưới triều Tự Đức, hoặc nếu còn chăng nữa thì tướng Tôn Thất Thuyết cũng đã cho chuyển cùng với bạc ra căn cứ Tân Sở ở vùng núi Tây Bắc Quảng Trị trong các năm 1883,1884 khi triều đình có kế hoạch xây dựng cơ sở dự phòng khi Pháp đánh chiếm Huế và kinh đô thất thủ. Sáng ngày 5/7/1885, khi quân Pháp chiếm Đại Nội, vào cung Diên Thọ thấy mâm vàng dọn bữa ăn sáng cho Bà Từ Dũ (mẹ vua Tự Đức) còn dở dang, lại bắt gặp trong Duyệt Thị đường cả trăm thùng bạc nén, có lẽ chưa kịp chuyển ra Tân Sở (BAVH, No2, 1920, tr.291). Trong 3 lần tìm được, hoặc do điểm chỉ hoặc tình cờ, cũng chỉ toàn hầm bạc với số lượng không phải lớn lắm.

– Liệu đấy có phải đấy là những hầm bạc cuối cùng?

Có thể là không. Ba hầm với tổng số 30,000 thoi bạc không phải là một số lượng lớn. Kho tàng phải có nhiều hơn nữa, nghĩa là phài có các hầm khác nữa chưa được khám phá.

– Việc chôn giấu này có bản đồ chỉ dẫn không?

Hẳn là nhất định phải có bản đồ chỉ nơi chôn giấu để lại cho đời sau. Trong dân gian, không có một ai để của chôn giấu cho con cháu mà lại không có một chỉ dẫn cụ thể dưới hính thức này hay hình thức khác để tìm kiếm, thu hồi, huống hồ là vua. Vậy, ai hay cơ quan nào của triều đình giữ các bản đồ này? Mấu chốt của vấn đề về kho tàng bí mật trong Đại Nội là ở đây. Vua? Viện Cơ Mật? Phủ Phụ Chính? Nội Các? Phủ Nội Vụ? Dù là ai hay cơ quan nào nắm giữ các bản đồ này thì cũng phải có việc truyền thừa từ đời vua này sang đời vua khác qua trung gian các quan phụ chánh, cũng tương tự như sự chuyển giao valise chứa mật mã nguyên tử của Tổng thống Mỹ vậy. Không phải một bản đồ chung cho các hầm mà mỗi hầm là một bản đồ vì việc chôn giấu được thực hiện từ đời vua này qua đời vua khác và mỗi đời vua hẳn không chỉ một lần, tùy thuộc số lượng dự trữ thặng dư của kho tàng. Quả thật đây là một nét bí mật của triều Nguyễn./


Chú thích:

(1) Hội thương là buổi làm việc chung thường kỳ giữa Phủ Phụ chính hay Viện Cơ Mật cùa Nam triều và Tòa Khâm sứ Trung kỳ để bàn thảo về những việc cần làm.

(2) Không rõ tên viết theo tiếng Pháp của hai viên chức này. Hội biện hay Hội lý là viên chức cao cấp của Pháp làm việc bên cạnh các bộ quan trọng của Nam triều, vừa cố vấn vừa giám sát.

(3) Cơ quan quản lý kho tàng của vua

Tài liệu tham khảo:

– Quốc Sử Quán triều Nguyễn, Đại Nam Thực Lục chính biên đệ lục kỷ, Phụ biên, bản dịch tiếng Việt của Cao Tự Thanh, gọi tắt Thực lục 6-PB, Nxb Văn hóa -Văn nghệ, 2012.

– A. Delvaux, La prise de Hue pat les Francais, 5 Juillet 1885, B.A.V.H, No2, 1920

– Võ Hương-An, Từ Điển Nhà Nguyễn, Nam Việt, California, 2012

Nguồn: Võ Hương An (NCLS)

No comments: