Trước thời Minh Mạng, phụ nữ nước ta từ Quảng Bình trở vào Nam thì mặc quần, còn từ Hà Tĩnh trở ra Bắc thì mặc váy.
Vì vậy, trong 20 năm cai trị, vị vua này đã 2 lần ra sắc dụ bắt người Đàng Ngoài phải ăn mặc theo người Đàng Trong.
Chiếc váy gắn bó với người phụ nữ miền Bắc từ rất sớm cho đến khi nhà Minh sang xâm chiếm nước ta vào đầu thế kỷ 15 thì ngày càng đẩy mạnh chính sách đồng hóa. Tháng 9 năm Giáp Ngọ (1414), chúng ra lệnh ‘cấm con trai, con gái không được cắt tóc; đàn bà con gái thì mặc áo ngắn, quần dài, hóa theo phong tục phương Bắc’ (Đại Việt sử ký toàn thư).
Sau khi khởi nghĩa Lam Sơn thắng lợi năm 1427, Lê Lợi lên ngôi hoàng đế, lập ra vương triều Hậu Lê, nhờ đó mà ‘hơn hai chục năm loạn lạc, một sớm dẹp yên. Non sông từ đấy cải quan, đất nước nhờ đấy yên tĩnh’ (Việt giám thông khảo tổng luận).
Sử sách không cho biết cách ăn mặc của nhân dân ta dưới thời vua Lê Thái Tổ và các triều vua kế tiếp, cho đến năm Cảnh Trị thứ 3 (1665) đời vua Lê Huyền Tông (1663-1671), nhà vua ra sắc dụ cấm đàn bà con gái mặc quần theo kiểu Tàu mà trở lại mặc váy theo y phục truyền thống của dân tộc.
Hình vẽ phụ nữ miền Bắc trong trang phục truyền thống.
Đây là một trong 47 điều giáo hóa được ban bố, triều đình còn ra lệnh cho ‘Các ty Thừa chính, Hiết sát các xứ và phủ, huyện, châu, mỗi nha môn phải sao một bản treo ở công đường làm việc. Ở các làng thì xã trưởng chép vào một tấm biển treo ở trong đình, cứ ngày hương ẩm, hội hợp già trẻ, trai gái trong làng, rồi đem giáo điều giảng đọc hiệu bảo, khiến mọi người biết mà khuyên răn để tiến lên phong tục tốt đẹp. (Khâm định Việt sử thông giám cương mục).
Vậy là, người phụ nữ miền Bắc quay trở lại mặc váy như trước đây. Tuy nhiên, đây chỉ là tình hình từ đèo Ngang trở ra còn từ Quảng Bình trở vào thì lại khác.
Đó là kể từ năm 1558, khi Nguyễn Hoàng được vua Lê cho vào trấn thủ đất Thuận Hóa rồi sau đó cho kiêm nhiệm trấn thủ đất Quảng Nam, lúc đầu ông còn phải ra phương Bắc để hành lễ với vua Lê, nhưng đến năm 1559, vào cuối đời vua Lê Thế Tông (1573-1599), khi vua Lê chỉ còn hư vị thì ngay năm 1600, Nguyễn Hoàng đã bắt đầu chăm lo củng cố và xây dựng vùng đất Đàng Trong này để đối đầu với chúa Trịnh ở đất Bắc.
Đến đời Nguyễn Phúc Khoát (1738-1765), ông đúc ấn quốc vương, định triều nghi và đưa ra một số cải cách để chứng tỏ sự tách biệt hoàn toàn với đất Đàng Ngoài, trong đó có những thay đổi về y phục như: ‘Vào khoảng năm 1744 chúa Võ Vương ở phương Nam bắt dân gian cải cách y phục. Theo giáo sĩ Koffler thì chúa bắt bỏ lối quần áo thô bỉ của người đường ngoài, mà châm chước theo lối quần áo của người Tàu. Có lẽ từ bấy giờ, người đàn bà đường Trong bắt đầu mặc áo gài khuy và mặc quần, mà không mặc áo thắt vạt và mặc váy như người đường Ngoài nữa’. (Việt Nam văn hóa sử cương)
Như, từ đời Võ Vương Nguyễn Phúc Khoát trở về sau, trong khi phụ nữ Đàng Trong dưới quyền chúa Nguyễn mặc quần dài 2 ống thì người phụ nữ Đàng Ngoài dưới quyền vua Lê chúa Trịnh lại mặc váy.
Đến khi nhà Nguyễn dựng đế nghiệp năm 1802, để thống nhất việc ăn mặc cho cả nước, vua Minh Mạng (1820-1840) đã 2 lần ra sắc dụ bắt dân chúng Đàng Ngoài phải thay đổi cách ăn mặc theo người Đàng Trong.
Hình vẽ vua Minh Mạng.
Năm 1822, nhân dịp ra Hà thành nhận lễ thọ phong của nhà Mãn Thanh (Trung Quốc), vua Minh Mạng khó chịu khi thấy phụ nữ miền Bắc mặc quần một ống. Vì lẽ đó, sách Minh Mạng chính yếu cho biết năm Đinh Hợi (1827), vua đã ra lệnh bắt phụ nữ từ sông Gianh trở ra miền Bắc phải theo trang phục như miền trong, nhưng mệnh lệnh đó không được thi hành nên đến năm Đinh Dậu (1837) vua lại ban dụ rằng:
‘Ngày trước, từ Linh Giang [sông Gianh] trở ra Bắc, dân vẫn mặc y phục như tục cũ. Đã ban dụ truyền lệnh sửa đổi theo y phục từ tỉnh Quảng Bình trở vào miền trong, để phong tục đồng nhất. Lại cho thời hạn rộng rãi, khiến dân được thong thả may sắm quần áo. Từ năm Minh Mạng thứ 8 đến nay, đã mười năm rồi, vẫn nghe nói dân chưa sửa đổi. Vả lại, từ tỉnh Quảng Bình trở vào Nam, mũ khăn, quần áo đều theo cách của nhà Hán, nhà Minh, xem khá tề chỉnh. Theo phong tục cũ của người miền Bắc, con trai đóng khố, con gái mặc áo thắt vạt, dưới mặc váy. Đẹp xấu đã thấy rõ rệt. Có kẻ đã theo tục tốt, cũng có kẻ vẫn giữ nguyên thói cũ, phải chăng cố ý làm trái mệnh trên? Các tỉnh thần nên đem ý ấy mà chỉ bảo, khuyên dụ nhân dân. Hạn trong năm nay, phải nhất tề thay đổi. Nếu đầu năm sau còn giữ theo y phục cũ, sẽ bị tội’.
Để thực hiện nghiêm chỉ dụ của vua, quan quân địa phương đã đốc thúc lính tráng bắt ép phụ nữ bỏ quần một ống. Các ngả đường, chợ búa đều có lính canh phòng quan sát kỹ... Ai đi chợ còn mặc váy thì bị đuổi về.
Tình cảnh dân chúng bị ép buộc được sách Quốc sử di biên viết như sau: ‘Vua dụ rằng: Nhà nước ta bờ cõi thống nhất, phong tục há để khác nhau? Tháng trước, các trấn thần Nghệ An, Thanh Hóa nhiều lần xin đổi quần áo nhân dân bản địa, đã được cho làm theo lời xin. Nay toàn hạt Bắc thành cũng nên kịp thời cải cách, để thống nhất chế độ. Nhưng dời đổi phong tục, việc mới bắt đầu mà dân gian giàu nghèo không đều, những vật liệu may mặc tốt phải xét theo mùa và tháng. Vì thế, khẩn thiết dụ cho các ngươi nên thông sức cho sĩ dân trong hạt, phàm những cách thức quần áo đều nên theo như kiểu Quảng Bình trở vào Nam, chuẩn định từ cuối mùa xuân năm Minh Mạng thứ 10 (1829) nhất tề thay đổi để tỏ nghĩa tuân theo phép vua.
Ngày tháng 10, cho sao lục chiếu ấy bằng giấy vàng đưa khắp toàn hạt: Không cứ nam, nữ, già, trẻ, kiểu cách quần áo đều phải sửa đổi lại, hạn 3 tháng, người nghèo thì cho 6 tháng. Bấy giờ lại dịch tự tiện đến các chợ, phố, nhà dân, nhiễu sự, hống hách, bậy bạ gây ra mối tệ ở đấy, tiếng oán thán đầy đường, khắp ngõ, nhưng quan lại bưng bít che giấu, vẫn làm biểu tâu là dân tình vui mừng, tạ ơn’.
Trang phục phụ nữ miền Nam (trái) và miền Bắc (phải) trước thời Minh Mạng.
Việc cải đổi y phục của vua Minh Mạng đã gặp phải sức kháng cự của người dân Đàng Ngoài bằng hành động bất tuân phục và đặt ra những bài hò vè để chế diễu phản đối như:
Tháng sáu có chiếu vua ra;
Cấm quần không đáy người ta hãi hùng.
Không đi thì chợ không đông;
Đi thì phải mượn quần chồng sao đang.
Có quần ra đứng bán hàng;
Không quần ra đứng đầu làng trông quan.
Mặc dù lệnh cấm của vua Minh Mạng rất gắt gao nhưng vẫn không thể nào làm phai mờ truyền thống cũ và có thể thấy thực tế đến tận những năm 40 của thế kỷ 20, khi mà triều Nguyễn cáo chung thì nhiều nơi ở miền Bắc, nhất là vùng nông thôn, chiếc váy vẫn còn khá phổ biến trong trang phục nữ giới.
No comments:
Post a Comment