Saturday, September 2, 2017

Danh tướng Trần Quang Diệu

Trần Quang Diệu vốn tên là Trần Văn Đạt, người làng An Hải tây, tổng An Lưu hạ, tỉnh Quảng Nam, nay thuộc quận Sơn Trà, thành phố Đà Nẵng. Ông là một danh tướng của nhà Tây Sơn, là con trai của ông Trần Tấn Nghĩa và bà Phan Thị Hy. Ông đã từng được phong đến chức Thái phó, đứng vào hàng Tứ trụ đại thần cùng với Thiếu bảo Nguyễn Văn Huấn, Đại tư đồ Võ Văn Dũng và Đại tư mã Nguyễn Văn Danh (tức Nguyễn Văn Tứ). 

Ông cùng với vợ là bà Bùi Thị Xuân suốt đời tận tụy vì vua vì nước. Vợ chồng ông có công rất lớn trong việc đánh đuổi quân Xiêm và quân Thanh xâm lược đầu xuân năm Kỷ Dậu (1789). Năm 1790, ông làm Đốc trấn Nghệ An và trông coi việc xây thành Phượng hoàng trung đô.

Tướng Trần Quang Diệu 

Ngoài mặt trận, ông là một viên tướng vũ dũng hiên ngang, đã từng phen làm cho quân thù khiếp vía. Trong triều, ông là vị trung thần, luôn nêu cao lòng trong sạch và ngay thẳng.

*******

Sau khi vua Quang Trung băng hà (1792), ông hết lòng phò vua Cảnh Thịnh (Nguyễn Quang Toản) chống lại chúa Nguyễn Ánh ở phương Nam.Tuy mấy lần thắng quân Nguyễn ở Qui Nhơn, nhưng ông vẫn không được vua Cảnh Thịnh trọng dụng vì ông vua trẻ tuổi này thường hay nghe lời dèm pha nên sinh lòng nghi kỵ. Vua Cảnh Thịnh lên ngôi lúc còn quá nhỏ (mới 10 tuổi) nên cậu ruột của vua là Thái sư Bùi Đắc Tuyên nắm hết quyền hành, làm lắm điều càn rỡ khiến trong các quan có nhiều người oán giận.

Tháng giêng năm Ất Mão (1795), Trần Quang Diệu mang 15.000 lục quân và 5 đạo thủy quân ào ạt đánh thành Diên Khánh (Khánh Hòa). Hoàng tử Cảnh và Giám mục Bá Đa Lộc đang giữ thành này. Tuy quân Nguyễn đẩy lui được cuộc tấn công thứ nhất, nhưng rõ ràng thành Diên Khánh đang nằm trong thế nguy. Nguyễn Ánh phải vội vã đem chu sư ra cứu. Trận chiến chưa ngã ngũ thì có tin các đại thần Tây Sơn đang giết nhau ở Phú Xuân (Huế) nên Trần Quang Diệu phải vội vã rút binh về.

Nguyên lúc bấy giờ triều đình Tây Sơn chia làm hai phe, các đại thần, tướng lãnh khuynh loát và hãm hại lẫn nhau. Vũ Văn Dũng đang trấn nhậm Bắc hà thì bị Thái sư Bùi Đắc Tuyên phái Ngô Văn Sở ra thay thế (1795). Dũng bất mãn, nghe lời xúi giục của quan Trung thư lệnh là Trần Văn Kỷ bèn mưu với Nguyễn Văn Huấn và Phạm Công Hưng đang đêm mang quân tới vây bắt Thái sư Bùi Đắc Tuyên cùng con là Bùi Đắc Trụ và tướng Ngô Văn Sở đem dìm xuống sông chết hết. Vua Cảnh Thịnh không sao ngăn được, chỉ biết gạt nước mắt khóc thầm. Trần Quang Diệu đang vây thành Diên Khánh nghe tin hoảng sợ, nói với các tướng rằng:

- Chúa thượng không phải là người cứng cỏi, để cho các đại thần giết hại lẫn nhau. Nếu trong mà không yên thì ngoài đánh người ta thế nào được!

Rồi ông lập tức rút quân về, đóng ở An Cựu, trên hữu ngạn sông Hương. Vũ Văn Dũng cùng nội hầu Tứ mang quân bản bộ giữ mé tả ngạn, ỷ mệnh vua ra cự địch. Vua Cảnh Thịnh sợ hãi quá, phải sai quan ra khuyên giải cả hai bên, Trần Quang Diệu mới đem các tướng vào chầu rồi cùng với phe Vũ Văn Dũng giảng hòa.

Trần Quang Diệu là người bao dung, nhân hậu. Khi quân Nguyễn ra vây đánh thành Qui Nhơn, vua Cảnh Thịnh sai Trần Quang Diệu và Vũ Văn Dũng đem binh vào cứu, nhưng quân của Dũng chưa đánh đã tan, đến nỗi bại binh. Việc ấy là tội của Dũng, nhưng nhờ Trần Quang Diệu giấu đi nên vua không biết. Dũng chịu ơn ấy nên mới kết nghĩa sinh tử với Trần Quang Diệu.

Bấy giờ ở Phú Xuân nhiều người ganh ghét Trần Quang Diệu vì ông là tướng tài, lập được nhiều chiến công, muốn nhân dịp ấy đổ tội cho ông, bèn tâu vua Cảnh Thịnh xin sai người đưa mật thư cho Vũ Văn Dũng, bảo phải giết ông đi. Dũng nhận được thư liền đưa cho Trần Quang Diệu xem. Ông vừa sợ vừa giận, lập tức kéo quân về Phú Xuân, đóng ở mé nam sông Hương, nói rằng về hỏi tội kẻ loạn thần.

Vua Cảnh Thịnh sai người ra giảng hòa nhưng không ai dám đi. Sau phải bắt mấy người nộp cho Trần Quang Diệu, ông mới chịu vào chầu. Vua Cảnh Thịnh bèn tìm lời giảng dụ, khuyên ông phải hết lòng hết sức giúp vua giúp nước. Ông khóc lạy vua rồi xin cùng Vũ Văn Dũng đem quân thủy bộ vào lấy lại Qui Nhơn.

Tháng giêng năm Canh Thân (1800), Trần Quang Diệu và Vũ Văn Dũng vây thành. Võ Tánh cố thủ, không chịu ra đánh. Thành bị vây rất ngặt. Tháng 5 năm Tân Dậu (1801), lương thực trong thành đã cạn, Võ Tánh biết không giữ nổi, bèn viết thư gửi Trần Quang Diệu xin cho quân dân trong thành được toàn mạng vì họ không có tội gì, còn mình làm tướng đành liều chết theo thành.

Sau khi Võ Tánh tự thiêu và Ngô Tùng Châu uống thuốc độc tự tử, quân Tây Sơn vào thành. Trần Quang Diệu thấy lầu bát giác đã cháy và đống tro tàn thì xúc động lắm, bèn theo đúng lời khẩn cầu của Võ Tánh không sát hại một ai, lại còn xuất của kho ra làm lễ mai táng cho Hậu quân Võ Tánh và Thượng thư Ngô Tùng Châu rất trọng thể.


***
Bà là vợ của Tướng Trần Quang Diệu

Thế lực Tây Sơn mỗi ngày một suy yếu. Năm 1802, nghe tin quân Tây Sơn đại bại ở Trấn Ninh, Trần Quang Diệu và Vũ Văn Dũng bỏ thành Qui Nhơn, kéo quân ra Nghệ An cứu viện, nhưng chưa đến nơi thì thành Nghệ An đã mất Trần Quang Diệu cùng vợ là Bùi Thị Xuân và con gái là Trần Bích Xuân bị quân Nguyễn bắt ở huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An, còn Vũ Văn Dũng bị bắt tại Nông Cống, tỉnh Thanh Hóa.

Vua Gia Long biết Trần Quang Diệu là người có tài làm tướng nên muốn chiêu dụ, nhưng ông khẳng khái từ chối vì cho rằng làm tôi không thể thờ hai chúa, đã bại trận thì cam chịu chết, chỉ yêu cầu nhà vua tha cho mẹ già, lúc ấy đã 80 tuổi, dù có sống cũng không thể nào làm hại triều đình nhà Nguyễn. Lời khẩn cầu này được vua Gia Long chấp thuận.

Trước khi chết, Trần quang Diệu nói với vua Gia Long rằng:

 "Nhà vua thắng là do mệnh trời chứ không phải do tài riêng. Tôi nay sa cơ, ngài muốn làm gì thì làm. Nếu nhà vua rộng lượng mà tha chết cho tôi như tôi đã từng tha chết cho tướng sĩ của ngài ở thành Qui Nhơn thì tôi xin về quê đi cày và đóng thuế như mọi người. Nhưng nếu ngài e ngại thì tôi xin chết cho đại nghĩa."

Vua Gia Long vốn là người hay nghi kỵ và hẹp lượng nên không chấp thuận và truyền lệnh trảm quyết. Còn vợ ông, bà Bùi Thị Xuân và con gái thì bị voi giày.

Sau khi vợ chồng Trần Quang Diệu và con gái bị Gia Long trả thù tàn nhẫn, em cháu ông phải thay tên đổi họ lưu lạc khắp nơi, nhưng một số mang họ Nguyễn vẫn còn sống tại làng An Hải Đà Nẵng và sinh con đẻ cháu cho đến ngày nay, chỉ có điều họ không biết mình la hậu duệ của Trần Quang Diệu.

Hiện nay mộ ông ở đâu thì không ai biết, nhưng mộ thân mẫu ông vẫn còn tại phường An Hải, quận Sơn Trà, thành phố Đà Nẵng, được chính quyền địa phương tôn tạo và công nhận là di tích văn hóa .


*****

Tóm lại, Trần Quang Diệu là người bao dung, nhân hậu và nhất là ngay thẳng. Tiếc thay ông sinh không gặp thời, phò nhà Tây Sơn thì Tây Sơn đến hồi mạt vận, giúp

vua Cảnh Thịnh thì vua nhu nhược bất minh cho nên phí cả cái tài của một bậc trung thần, một viên dũng tướng. Tài của ông đã khiến cho giáo sĩ De La Bissachère phải khen :“Viên tướng này (Trần Quang Diệu) mà ngay cả ở Âu châu, người ta cũng phải coi là dũng mãnh, anh hùng” (*).

Ông đã suốt đời tận tụy phò vua giúp nước, và khi Tây Sơn mất, ông chỉ còn biết lấy cái chết để đền ơn tri ngộ, mặc dù vua Gia Long đã mở một sinh lộ ra trước mắt ông.

Ngày nay, trải qua bao lớp phế hưng, bao trò dâu bể, tấm gương trung liệt của Trần Quang Diệu vẫn còn sáng chói trong sử sách, đáng để cho người đời sau suy ngẫm.

Nguồn: Huyền Viêm (Viet Van Moi)

☀ Xem thêm nhiều bài thuyết minh tại: http://citytourdanang.com/lich-su-van-hoa  hoặc về lai TRANG CHỦ của BLOG NÀY

☀ Nếu bạn quên địa chỉ này hãy lên google gõ "tài liệu thuyết minh du lịch" bạn sẽ thấy trang này đầu tiên.