Thursday, August 17, 2017

Kazimierz Kwiatkowski - người hồi sinh và đưa di sản Việt Nam ra thế giới

Khi dẫn khách đến Thế Tổ Miếu tham quan, các bạn sẽ bắt gặp rất nhiều hình ảnh của người này trong gian phòng bên trái, hay là khi dẫn khách đến phố cổ Hội An, đi ngang qua đường Trần Phú trong phố cổ các bạn sẽ thấy 1 quảng đất rộng với 1 đài tưởng niệm của 1 ông Tây khá nổi bật, chắc chắn khách sẽ hỏi về người này. Vậy bạn sẽ trả lời như thế nào ???
Đài tưởng niệm kiến trúc sư Kazik tại Hội An


Thập niên cuối cùng của thế kỷ XX, di sản văn hóa Việt Nam bắt đầu được thế giới biết đến nhiều hơn với việc Cố đô Huế, Phố cổ Hội An, Thánh địa Mỹ Sơn lần lượt được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa Thế giới. Đó là niềm tự hào đối với nhân dân Việt Nam, khẳng định vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế. Trên chặng đường đưa những di sản của dân tộc ra với thế giới có sự nỗ lực đóng góp của rất nhiều đơn vị, tổ chức, cá nhân trong nước và quốc tế và trên nhiều lĩnh vực. Trong đó, kiến trúc sư đáng kính Kazimierz Kwiatkowski là một trong những gương mặt tiêu biểu.


KAZIMIERZ KWIAKOWSKI
(1944 - 1997)

Kazimierz Kwiatkowski sinh năm 1944 là một kiến trúc sư, nhà bảo tồn người Ba Lan. Ở Ba Lan, ông được biết đến qua các công trình khảo cổ, trùng tu tại Ai Cập hay Warszawa. Ở Việt Nam, kiến trúc sư Kazimierz Kwiatkowskicòn được biết đến với tên gọi thân mật là kiến trúc sư Kazik. Ông là người đã có nhiều đóng góp to lớn cho công cuộc bảo tồn các di tích lịch sử và khảo cổ tại Việt Nam như Hoàng thành Huế, Hội An, Thánh địa Mỹ Sơn. Từ đầu thập niên 1980, Kazimierz Kwiatkowski đã tình nguyện sang Việt Nam khảo sát các di tích khảo cổ tại Mỹ Sơn, đây cũng là nơi ông gắn bó lâu nhất trong thời gian sống và làm việc tại Việt Nam - gần 16 năm. Năm 1981, kiến trúc sư Kazik bắt đầu tiếp xúc với Hội An và lập tức nhận ra tiềm năng của thành phố này. Ông đã nỗ lực vận động chính quyền địa phương tiến hành các biện pháp bảo tồn, trùng tu đô thị cổ Hội An, đồng thời giới thiệu nét riêng biệt của Hội An ra thế giới.

Thời gian sống và làm việc ở Mỹ Sơn là quãng thời gian vô cùng khó khăn của Kazik và các đồng nghiệp, đã có 8 người trong đoàn khảo cổ của kiến trúc sư Kazik thiệt mạng do bom đạn còn sót lại sau chiến tranh, do bệnh tật và cuộc sống kham khổ. Năm 1991, khi nguồn tài chính cho hoạt động khảo cổ của đoàn chuyên gia Ba Lan bị chấm dứt, kiến trúc sư Kazik đã tự đứng ra kêu gọi tạo quỹ cho hoạt động khảo cổ của mình tại Mỹ Sơn, ngay cả vào thời điểm khó khăn nhất này, ông vẫn nói: “Tôi chịu đựng được hết thảy miễn sao được sống với những ngôi tháp”.

Bất chấp sự phản đối từ một số chuyên gia, kiến trúc sư Kazik luôn kiên trì theo đuổi nguyên tắc trùng tu "khảo cổ học" trong đó di tích gốc sẽ được giữ gìn nguyên vẹn ở mức tối đa và các biện pháp trùng tu chỉ được áp dụng để duy trì hiện trạng. Đích thân kiến trúc sư Kazik đã quay về Ba Lan chỉ để mang hóa chất quay lại Việt Nam phục vụ cho công tác trùng tu Mỹ Sơn. Chính nhờ nỗ lực bảo tồn yếu tố nguyên gốc mà sau này Hội An và Mỹ Sơn đã được công nhận là Di sản Văn hóa Thế giới vào năm 1999.

Cũng trong năm 1981,tại Hà Nội, ông Amadou Mahtar M'Bow - Tổng giám đốc UNESCO đã ra lời kêu gọi cứu vãn Huế và đã phát động một cuộc vận động quốc tế giúp đưa việc bảo tồn, tôn tạo di tích Huế được sự ủng hộ, quan tâm hơn nữa của cộng đồng. Năm 1982, Nhóm công tác Huế - UNESCO được thành lập để theo dõi chỉ đạo công cuộc trùng tu lại Huế góp phần đưa khu di sản Huế vượt qua giai đoạn cứu nguy khẩn cấp.

Đáp ứng lời kêu gọi của UNESCO đối với các tổ chức quốc tế, kiến trúc sư Kazik và các chuyên gia Ba Lan (tổ chức PKZ) đã nhiều lần ghé Huế để khảo sát và đánh giá những thiệt hại của di tích Huế sau chiến tranh. Ông và các cộng sự đã thực hiện công tác nghiên cứu, đo đạc theo phương pháp photogrammetric (phép quan trắc), trong đó công trình được lựa chọn để nghiên cứu đầu tiên là Ngọ Môn - Đại Nội Huế. Trong các báo cáo của tổ chức PKZ gửi UNESCO, ICOMOS,..., những đánh giá về sự khác biệt của di tích Huế và Hội An so với di sản văn hóa Trung Hoa là những đánh giá quan trọng nhất để Ủy ban Di sản Thế giới UNESCO xem xét và công nhận Quần thể di tích cố đô Huế và đô thị cổ Hội An là Di sản Văn hóa Thế giới. Ngoài ra, bản báo cáo về di tích Ngọ Môn - Đại Nội Huế cũng đã thu hút được sự quan tâm của những tổ chức quốc tế khác trong công tác bảo tồn và cứu vãn di tích Huế. Ngay sau đó, chính phủ Nhật Bản đã tài trợ 100.000USD từ Quỹ Ủy thác Nhật Bản cho dự án Bảo tồn Di sản Văn hóa Thế giới ở Huế. Bên cạnh những đóng góp cho công tác trùng tu, bảo tồn các di tích tại Việt Nam, Kazik còn góp phần đào tạo nhiều thế hệ sinh viên, cán bộ Việt Nam, tạo nguồn nhân lực chất lượng phục vụ cho công tác trùng tu, bảo tồn các di sản tại Việt Nam. Năm 1985, ông Kazik đã tham gia với vai trò là giảng viên tổ chức chương trình đào tạo công tác bảo tồn, trùng tu di sản cho các cán bộ tại di tích Huế.

Dự án cuối cùng mà kiến trúc sư Kazik tham gia là dự án bảo tồn trùng tu di tích Thế Tổ Miếu - Đại Nội Huế do chính phủ Ba Lan tài trợ và thực hiện với tổng kinh phí 900.000USD, theo Nghị định xử lý nợ của Chính phủ. Kiến trúc sư Kazik - thuộc tổ chức PKZ, Ba Lan đã phối hợp với nhóm kỹ thuật Việt Nam lập hồ sơ và thi công dự án. Tuy nhiên, số phận đã mang ông đi đột ngột trong khi công trình Thế Tổ Miếu đang trùng tu dang dở. Ông mất vào ngày 19/3/1997 tại Huế.

Ảnh tư liệu, KTS Kazik (thứ 5 từ trái sang) tại buổi lễ khai trương dự án trùng tu, tu bổ Thế Tổ Miếu – Đại nội Huế do chính phủ ba lan tài trợ 
Nhằm tưởng nhớ công lao to lớn của kiến trúc sư Kazik với văn hóa Việt Nam, ngày 19/3/2017, Trung tâm Bảo tồn Di tích Huế phối hợp với Đại sứ quán Ba Lan tại Việt Nam tổ chức lễ tưởng niệm 20 năm ngày mất của ông. Sự kiện này cũng là hoạt động ý nghĩa nhằm thắt chặt thêm tình đoàn kết hữu nghị giữa hai nước Ba Lan và Việt Nam, đặc biệt là với Cố đô Huế.

Riêng đối với tỉnh thừa Thiên Huế, những năm vừa qua, tỉnh Thừa Thiên Huế nhận được sự hỗ trợ tích cực và hiệu quả của Chính phủ Ba Lan, đặc biệt trong lĩnh vực bảo tồn di sản. Ba Lan là một trong những quốc gia sớm hỗ trợ công cuộc bảo tồn di sản Cố đô Huế ngay từ khi UNESCO phát động cuộc vận động quốc tế nhằm cứu nguy cho di tích Huế vào năm 1981. Trong giai đoạn từ năm 1996 đến nay, Ba Lan đã tài trợ triển khai nhiều chương trình, dự án liên quan với tổng giá trị tài trợ hơn 01 triệu đô la Mỹ, một số dự án có thể kể đến như: Dự án Bảo tồn tu bổ di tích Thế Tổ Miếu (1996-1997), tổng tài trợ 900.000 đô la Mỹ, do PP.PKZ- Công ty Bảo tồn các tài sản văn hóa Ba Lan thực hiện; Chương trình khảo sát và lập Dự án bảo tồn tôn tạo Nhà Tả Vu (1997), đóng góp tài trợ 40.000 USD; Dự án Bảo tồn, tu bổ và tôn tạo Công trình Linh Tinh Môn-Văn Miếu Huế kết hợp tập huấn đào tạo bảo tồn đã được thực hiện trong năm 2011, với tổng kinh phí dự án là 102.094,7 USD được thực hiện từ nguồn ngân sách địa phương và một phần tài trợ của Bộ Ngoại giao Ba Lan theo khuôn khổ chương trình hỗ trợ quốc tế của Ba Lan trong năm 2011 (24.497 USD); Dự án Tập huấn Bảo tồn cho chuyên gia của các khu di sản ở Việt Nam được thực hiện trong năm 2012 với tổng ngân sách tài trợ 16.872 USD (tổng ngân sách dự án là 21.124 USD); Dự án Bảo tồn trùng tu và đào tạo kỹ thuật tại công trình Bi Đình - lăng vua Tự Đức thuộc khu Di sản Huế, ngân sách tài trợ 39.586 USD (Tổng ngân sách là 174.261,1 USD).

Với sự hỗ trợ tích cực của Chính phủ, các đối tác và chuyên gia Ba Lan trong lĩnh vực bảo tồn di sản văn hóa Huế, một số công trình di tích thuộc Quần thể Di tích Cố đô Huế đã được bảo tồn, trùng tu đạt kết quả cao như: di tích Thế Tổ Miếu - Đại Nội, nhà che bia Khuyến học - Quốc Tử Giám, công trình Linh Tinh Môn - Văn Miếu, Bia Thánh đức Thần công và Bi Đình, lăng vua Tự Đức…Song song với hoạt động bảo tồn trùng tu, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế đã cùng phối hợp với Đại sứ quán Ba Lan tại Việt Nam tổ chức lồng ghép các nội dung tập huấn, đào tạo kỹ thuật cho các cán bộ của các khu di sản tại Việt Nam, tổng cộng có hơn 95 học viên đến từ hơn 10 đơn vị quản lý di sản trên cả nước đã được tham gia các chương trình này. Có thể nói, Chính phủ Ba Lan nói chung và cá nhân kiến trúc sư Kazik nói riêng đã có nhiều đóng góp to lớn cho công tác trùng tu và bảo tồn cũng như phát huy những giá trị của Di sản Huế. Những đóng góp đó thực sự thiết thực và mang lại những giá trị lớn lao không chỉ cho Huế mà còn cho cả Việt Nam. Thừa Thiên Huế cũng như Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế luôn trân trọng và đánh giá cao những gì mà Chính phủ Ba Lan và cá nhân kiến trúc sư Kazik đã đóng góp cho công tác trùng tu, bảo tồn Di sản Huế. Huế mong muốn nhận được sự hợp tác giúp đỡ nhiều hơn nữa từ Ba Lan không chỉ trong công tác trùng tu và bảo tồn mà còn trên nhiều lĩnh vực khác. Ba Lan và riêng cá nhân kiến trúc sư Kazik luôn là người bạn chân thành, trân quý và chiếm một vị trí trang trọng trong lòng người dân Huế cũng như người dân Việt Nam.


Nguồn: Phòng Hợp tác - Đối ngoại (Trung tâm bảo tồn di tích Huế)


 Xem thêm nhiều bài thuyết minh tại: http://citytourdanang.com/lich-su-van-hoa  hoặc về lai TRANG CHỦ của BLOG NÀY

 Nếu bạn quên địa chỉ này hãy lên google gõ "tài liệu thuyết minh du lịch" bạn sẽ thấy trang này đầu tiên.