Tuesday, June 13, 2017

Lịch sử "nghĩa địa Y Pha Nho" trên bán đảo Sơn Trà

Anh chị em Hướng dẫn viên thân mến!

Tại bán đảo sơn Trà, Chương trình tour Sơn Trà các công ty du lịch chỉ thường thiết kế tham quan bán đảo Sơn Trà thì hầu như mặc định sẽ là Chùa Linh Ứng 3 cùng tượng phật Quan Thế Âm, Nếu có thêm địa điểm khác thì số ít sẽ là: Đỉnh Bàn Cờ, Cây Đa ngàn năm, đài DRT, trạm Rada.. bởi vì địa hình đi lại khá khó khăn và phương tiện không đảm bảo. 
Nhưng chắc chắn phần lớn các bạn sẽ chưa biết thậm chí chưa nghe tới một di tích lịch sử rất đặc biệt tại đây: "nghĩa địa Y Pha Nho" mà nếu có nghe thì cũng nghe phong phanh sơ bộ. Hôm nay Ad xin chia sẽ cho các bạn một bài riêng biệt về di tích này. Sẽ có thêm nhiều thông tin bổ ích khi các bạn tích cóp tài sản trí tuệ cho mình. 
Hãy chia sẽ bài này nếu bạn thấy có trách nhiệm.



"Đồi hài cốt" trên bán đảo Sơn Trà: Tiền đồn chống giặc xưa còn đó

Tại Đà Nẵng có một di tích lịch sử đặc biệt. Người dân địa phương gọi nơi này là "nghĩa địa Tây Ban Nha" hay "nghĩa trang Y Pha Nho", còn người Pháp thì gọi là "Ossuaire", tức là Đồi hài cốt, nhiều lớp hài cốt chồng lên nhau. Đây chính là nghĩa địa tập thể chôn những binh lính Pháp và Tây Ban Nha tử nạn trong cuộc tấn công đầu tiên vào cảng Đà Nẵng từ năm 1858 đến năm 1860. Hằng năm vào ngày 25/12, nhiều du khách phương Tây tìm đến đây để cầu nguyện cho linh hồn những người nằm lại nơi "Đồi hài cốt".

Quyết tử giữ Sơn Trà

Nhà thơ yêu nước Phan Chu Trinh viết rằng: "Kìa đâu súng nổ đã nghe đùng/Cách bữa tầu Tây lại Vũng Thùng. Nửa hạt Hòa Vang rân tiếng súng/Mấy ngày Đà Nẵng đậu buồm bông”…

Nếu Đà Nẵng được lịch sử giao cho sứ mạng tiên phong để quân dân ta đương đầu với các cường quốc phương Tây, thì Sơn Trà đóng vai trò là vị trí tiền đồn vô cùng hiểm yếu. Người dân nơi đây có câu hát ru rằng: Chiều chiều mây phủ Sơn Trà/ Sóng gầm Non Nước, mưa sa Vũng Thùng.

Hệ thống núi non của Hải Vân sơn ở phía bắc, bán đảo Sơn Trà ở phía nam vây lại thành hình cánh cung tạo nên một vịnh biển mang tên Vũng Sơn Trà, hay còn gọi bằng nhiều tên khác như Vũng Tiên Sa, Vũng Thùng, Vũng Hàn, vịnh Đà Nẵng. Từ đầu thế kỷ XVIII, vị trí tiền cảng của Đà Nẵng dần dần trở thành thương cảng thay thế cho Hội An, nhất là khi kỹ thuật đóng tàu ở châu Âu phát triển với những loại tàu thuyền lớn, đáy sâu, ra vào vịnh Đà Nẵng dễ dàng.

Từ đầu thế kỷ XVIII, người Pháp đã chú ý đến tầm quan trọng của hải cảng Đà Nẵng (Tourane) trên biển Đông. Năm 1835, Vua Minh Mạng có dụ: "Tàu Tây chỉ được đậu tại cửa Hàn, còn các cửa biển khác không được tới buôn bán".

Vào tháng 4/1821 và tháng 12/1824, Chính phủ Pháp phái hai chiến hạm đến Đà Nẵng dâng thư lên vua xin thông thương. Trong những năm 1830, 1836, 1838 nhiều chiến thuyền Pháp đã cập bến Đà Nẵng. Tháng 4/1837, Hoàng đế Napoléon III đã thành lập một Hội đồng Nghiên cứu Việt Nam, hội đồng này đã đệ trình ý kiến nên đánh chiếm vùng đất này vì ba lợi ích tôn giáo, chính trị, kinh tế và cần bí mật chuẩn bị một đội quân viễn chinh hùng mạnh. Ngày 25/11/1857 Chính phủ Pháp giao cho Phó đô đốc Hải quân Rigault de Genouilly được toàn quyền hành động.

Chiều ngày 31/8/1858, mượn cớ triều đình An Nam ngược đãi các giáo sĩ, liên quân Pháp và Tây Ban Nha với 14 chiến hạm và trên 2.350 quân đã kéo đến Đà Nẵng. Sáng ngày 1/9/1858, Rigault gửi tối hậu thư cho quan Trấn thủ Đà Nẵng là Trần Hoàng buộc phải đầu hàng và hạn phúc đáp trong 2 giờ đồng hồ. Quá hạn, Rigault ra lệnh pháo kích vào các cơ sở phòng thủ của quân ta quanh vịnh Đà Nẵng, Sơn Trà, các thành Điện Hải, An Hải.

Sau nửa giờ bắn phá dữ dội, quân Pháp - Tây Ban Nha từ các tàu Némésis, Phlégéton, Primauguet đã đổ bộ được lên bờ. Quân ta kháng cự mạnh mẽ nhưng rồi lần lượt thành An Hải cùng các pháo đài Phòng Hải, Trấn Dương, các đồn Nhất, Nhì, Ba, Tư lọt vào tay địch. Đến chiều ngày 1/9/1858, Pháp đã chiếm giữ bán đảo Sơn Trà và thành An Hải. Từ đây Sơn Trà trở thành cứ điểm đồn trú chính của quân Pháp - Tây Ban Nha.

Sáng ngày 2/9/1858, quân Pháp - Tây Ban Nha đồng loạt nã pháo tấn công thành Điện Hải làm sập một góc thành, kho thuốc súng bị nổ. Sau nửa giờ chống trả quyết liệt, quân ta buộc phải rút lui vì thành bị hư hại nặng, và vũ khí thì thô sơ, lạc hậu. Quân Pháp chiếm thành Điện Hải và các đồn phụ cận, phá hủy các kho lương, khí giới, thu gần 450 đại bác bằng đồng và gang của quân ta rồi rút về căn cứ Sơn Trà.

Triều đình Huế sai quan Chưởng vệ Đào Trí vào để hiệp cùng với quan Tổng đốc Nam Ngãi là Trần Hoàng chống ngăn quân giặc. Nhưng Đào Trí đến nơi thì hai thành An Hải và Điện Hải đã bị mất. Triều đình lại sai quan hữu quân Thống chế Lê Đình Lý và Tham tri bộ Hộ Phạm Khắc Thận đem 2.000 cấm binh vượt đèo Hải Vân đến Đà Nẵng, đặt sở chỉ huy tại làng Nghi An, huyện Hòa Vang.

Sau khi đánh chiếm được Sơn Trà, liên quân Pháp - Tây Ban Nha tiến đánh tan phòng tuyến của quân ta ở xã Mỹ Thị. Ngày 6/10/1858, trong cuộc giao chiến dữ dội tại Cẩm Lệ, Thống chế Lê Đình Lý bị thương nặng rồi hy sinh.

Tình hình Đà Nẵng ngày càng nguy ngập, Vua Tự Đức bèn cử Nguyễn Tri Phương đang làm Kinh lược sứ ở Lục tỉnh về làm Thống chế quân vụ Quảng Nam, điều Tổng đốc Phạm Thế Hiển ở Định Tường - Biên Hòa về Đà Nẵng làm Tham tán quân vụ. Tháng 12/1858, Nguyễn Tri Phương cùng Phạm Thế Hiển cho đắp phòng tuyến Liên Trì gồm một hệ thống đồn, lũy dài 3km dọc sông Hàn. Để tránh hỏa lực rất mạnh của địch, Nguyễn Tri Phương không chủ trương đánh chính diện, mà cho phục kích, thực hiện "vườn không, nhà trống" và cho đắp lũy dài từ Hải Châu vào tới Phúc Ninh, Thanh Giản, để bao vây liên quân ngoài mé biển.

Ba năm ôm hận

Với mưu lược của Nguyễn Tri Phương, phòng tuyến Đà Nẵng được giữ vững, liên quân Pháp-Tây Ban Nha không thể tấn công mở rộng địa bàn, phải bám giữ bán đảo Sơn Trà. Lúc này quân ta thực hiện chiến lược "Vườn không, nhà trống", chiến thuật du kích, lại gặp thời tiết nắng nóng khắc nghiệt, lam sơn chướng khí gây nên nhiều chứng bệnh nguy hiểm như kiết lị, sốt rét, nhất là bệnh dịch tả… khiến rất nhiều quân Pháp - Tây Ban Nha phải bỏ mạng.

Phó đô đốc De Genouilly đã viết thư về Pháp rằng: "Chính phủ bị đánh lừa về bản chất của cuộc đi đánh lấy nước An Nam Kỳ. Người ta trình bày rằng việc viễn chinh này chỉ là một việc dễ dàng thôi, nho nhỏ thôi; thực ra, nó không dễ, cũng không nhỏ... Người ta cho rằng dân chúng sẽ nổi lên hưởng ứng, thật ra trái hẳn lại với sự dự đoán đó... Người ta báo cáo rằng quân đội An Nam không có gì, sự thật thì quân chính quy rất đông, còn dân quân thì không đau ốm và không tàn tật... Trên bộ thì không hành quân lớn được, dù là chỉ hành quân ngăn ngắn mà thôi; binh lính không chịu đựng nổi... Chúng ta đang xuống dốc đến kiệt quệ ở Đà Nẵng. Mọi phương tiện cải thiện tình hình bộ binh và hải quân đều hết sạch và vô hiệu"...

Ngày 15/1/1859, viên tướng này gửi tiếp một báo cáo nữa để nói rõ số lính chết vì bị bệnh kiết lị lên đến mức đáng sợ. Trong số 800 lính bộ binh, chỉ còn khoảng 500 người có thể cầm khí giới, nhưng không đủ sức để mở một cuộc hành quân...

Theo "Việt Nam sử lược" của Trần Trọng Kim thì còn các nguyên nhân khác: "Lúc trước các giáo sĩ đều nói rằng hễ quân Pháp sang đánh, thì dân bên đạo tức khắc nổi lên đánh giúp, đến nay không thấy tin tức gì, mà quân lính thì tiến lên không được. Ở Đà Nẵng thì chỗ ăn chỗ ở không có, lại phải bệnh dịch tả chết hại mất nhiều người, bởi vậy Genouilly lấy làm phiền lắm".

Trước tình hình đó, ngày 2/2/1859 Genouilly quyết định đem quân vào Nam đánh chiếm Vũng Tàu, Gia Định, chỉ để lại một số ít quân và vài chiến hạm giao cho đại tá Hải quân Faucon ở lại Sơn Trà để giữ vùng đất đã chiếm được.

Trong lúc ấy, Nguyễn Tri Phương và Phạm Thế Hiển ra sức củng cố lại phòng tuyến, nhất là thành Điện Hải. Phòng tuyến này kéo dài 3km từ thành Điện Hải đến đồn Nại Hiên.

Sau khi chiếm được thành Gia Định, ngày 15/4/1859 Genouilly lại kéo quân trở ra Đà Nẵng, liên tiếp mở những đợt tấn công nhằm tiến ra chiếm kinh đô Huế. Nhưng một lần nữa, quân ta dưới sự chỉ huy của Nguyễn Tri Phương đã khiến kế hoạch "đánh mau, thắng mau" của Pháp thất bại, hao tổn lực lượng, quân lính phần chết trận, phần chết dịch rất nhiều. Cuối cùng chúng phải rút hết quân vào Gia Định ngày 23/3/1860, để lại trên bán đảo Sơn Trà một nghĩa trang tập thể với hàng ngàn hài cốt.

Tiếng vọng trên "Đồi hài cốt"

Hơn 1,5 thế kỷ đã trôi qua, thời gian tưởng chừng như xóa sạch dấu tích của chiến trường xưa với những trận xung sát kinh thiên động địa. Con đường nhựa đen nhánh, phẳng lì như dải lụa trải dài ra cảng Tiên Sa thuộc Thọ Quang, Sơn Trà. Hai bên đường một bên là biển xanh, một bên là bờ đá taluy xám ôm lấy chân núi Sơn Trà. Những đoàn xe tải dài dằng dặc nối nhau nằm chờ chuyển hàng ra cảng. Ồn ào và hối hả, ít ai chú ý đến cái nghĩa trang trắng xám, già nua tựa vào núi, nằm sát bên Hải quan Đà Nẵng, ngay ngã ba xuống bãi Tiên Sa.

Anh bạn tôi ở Tòa án quận Thanh Khê cho hay, nơi đây vốn thuộc mũi Mỏ Diều và đảo Cô, trước đây nằm trong khu quân sự, bị thép gai, cỏ cây khuất lấp nên ít ai tìm đến. Và kia rồi, một cây thánh giá màu trắng nhô cao ẩn hiện trong những tán lá xanh, phía dưới có dòng chữ trắng "OSSUAIRE" (Đồi hài cốt) như tên gọi của nơi này. Đồi hài cốt nằm quay mặt ra biển. Lần theo những bậc đá xanh cũ kỹ lên trên khoảng 2m, qua tấm bình phong, bức tường thành, cổng sắt nhỏ là một ngôi nhà nguyện nhỏ nhô cao. Trên cây thánh giá của ngôi nhà nguyện có khắc chữ "SPES UNICA"( ý từ câu "O Crux, ave spes unica!" - Ôi kính chào Thánh giá là hy vọng duy nhất của chúng tôi!).

Bước vào khung cửa hẹp tối đen tương phản với màu vôi trắng lốp bên ngoài, tôi không tránh khỏi cảm giác rờn rợn. Nhà nguyện cao 3,5m, ngang 3m, dài 12m, bên trong chỉ có một cái bàn thờ đơn giản theo nghi thức Công giáo, phía trên là những phiến đá khắc dòng chữ Latinh chạy uốn lượn phía trên bệ thờ theo hình vòm đối xứng, cân đối với bàn thờ. Tường và trần nhà nguyện đã có những vết nứt khá lớn.

Bên tay trái bức tường có một bảng đá khắc dòng chữ Pháp: "A la mémoire des combattants Francais et Espagnols de l'Expédition Rigault de Genouilly. Mort en 1858 - 59 - 60 et ensevelis en ces lieux" (Để tưởng niệm những chiến binh Pháp và Tây Ban Nha của cuộc viễn chinh Rigault de Genuoilly. Chết những năm 1858 - 1859 - 1860 và được an táng ở đây). Hai bên hông có hai cửa sổ có chấn song sắt nhìn ra bên ngoài làm cho không khí bên trong ngôi nhà nguyện đỡ phần u tối.


Có tài liệu cho rằng nhà nguyện này là mồ chôn tập thể của hàng ngàn binh lính Pháp - Tây Ban Nha được tập trung về đây trong 3 năm 1858 - 1860. Năm 1895, Toàn quyền Paul Doumer đã cho xây dựng lại nơi này. Theo ông Lưu Anh Rô, Ban Tuyên giáo Thành ủy Đà Nẵng dẫn trong một tài liệu đề ngày 25/5/1921 của Trường Viễn Đông Bác Cổ, nội dung đề nghị Toàn quyền Đông Dương cho tu sửa khu nghĩa địa này, có đoạn: "Tôi xin lưu ý ngài về tình trạng hư hỏng của nghĩa trang ở bán đảo Tiên Sa, bắc Tourane, nơi chôn cất những binh sĩ bộ binh và hải quân của người Pháp và người Tây Ban Nha thuộc hạm đội của Đô đốc Rigault de Genouilly. Khoảng 1.500 hài cốt đã khai quật và tập trung vào một hốc công cộng có dựng một nhà thờ. Nhà thờ này đã bị đổ nát, cửa ra vào đã hư hỏng. Xung quanh nhà thờ có một số ngôi mộ của các sĩ quan Pháp và Tây Ban Nha, trong đó có mộ của trung tá Duppré Déroulède bị giết trên chiến hạm Némésis vào ngày 18/11/1859 ...".

Xung quanh khuôn viên ngôi nhà nguyện là 32 ngôi mộ nằm ngang dọc được đắp bằng xi măng. Những ngôi mộ cùng bia mộ lớn nhỏ không đều nhau hoặc không có bia, không thể đoán được thứ tự sắp xếp theo thời gian chôn cất hay chức vị của người nằm bên dưới. Đọc những dòng chữ ghi trên bia có thể thấy những người nằm đây rải rác từ năm 1858 đến năm 1860.

Những người bán hàng ở dưới cảng cho biết, hằng năm vào ngày 25/12, nhiều du khách phương Tây tìm đến đây để cầu nguyện cho linh hồn những người nằm lại nơi "Đồi hài cốt". Không biết trong số du khách ấy có mấy người là hậu duệ của những chiến binh chìm sâu trong lòng đất lạ sau những cuộc giao tranh đẫm máu với những người dân bản xứ bé nhỏ nhưng oai hùng và bao dung biết mấy. Dấu xưa vẫn còn đó thật im lìm, lặng lẽ, bên cạnh cảng biển Tiên Sa rộn ràng náo nhiệt suốt ngày đêm

Tác giả: Thương Điền (https://goo.gl/QGxhE1)

Một số hình ảnh về nghĩa địa Y PHA NHO:



Đây chính là nghĩa địa tập thể chôn những binh lính Pháp và Tây Ban Nha tử nạn từ cuộc tấn công đầu tiên vào cảng Đà Nẵng năm 1858 đến năm 1860, khai màn cho thời kỳ Pháp thuộc của Việt Nam.



Đứng từ dưới đường, ngay ngã ba rẽ xuống bãi tắm Tiên Sa nhìn lên gò đất cao, thấp thoáng một cây thánh giá màu trắng ẩn hiện trong những tán lá cây. Một ngôi nhà nguyện nhỏ với cây thánh giá có khắc chữ “SPES UNICA”, bên dưới có những dòng chữ La-tinh uốn lượn theo hoa văn hình vòm và cuối cùng phía trên đường viền của cửa chính có chạm nổi chữ “OSSUAIRE”, như một cái tên của di tích có nghĩa là: đồi hài cốt, nhiều lớp chồng lên nhau. Xung quanh ngôi nhà nguyện là những ngôi mộ xây bằng xi măng thật đơn sơ.


Ngôi nhà nguyện có bề ngang khoảng 3m, dài khoảng 12m và cao khoảng 3,5m, bên trong chỉ có một cái bàn thờ theo nghi thức công giáo, phía trên có một dòng chữ La – tinh được khắc theo hình vòm đối xứng: “A la mémoire des combattants Francais et Espagnols de l’Expédition Rigault de Genouilly. Mort en 1858 – 59 – 60 et ensevelissement en lieux“. Tạm dịch : “Để tưởng niệm những chiến binh Pháp và Tây Ban Nha của cuộc viễn chinh Rigault de Genuoilly. Chết những năm 1858 – 59 – 60 và được an táng ở đây”.


Hiện nay còn một căn nhà nhỏ, mặt tiền có chiếc thánh giá với một từ tiếng Pháp OSSUAIRE (đồi hài cốt, nhiều lớp chồng lên nhau)chạm nổi; nhà có bề ngang hơn 3m, dài trên 12m, cao 3,5m; cuối tường là bàn thờ theo nghi thức Thiên chúa giáo. Xung quanh là 32 ngôi mộ lớn nhỏ có bia hoặc không bia.
Hình: Sưu tầm

☀ Click Tham giá GROUP Tài liệu Thuyết Minh Du Lịch dành cho HDV.
- Hãy lưu lại trang WEB này, sẽ có lúc bạn cần đến.
-Xem nhiều bài thuyết minh hay tại 2 địa chỉ khác: https://www.tourdanang24h.com/tin-tuc  và http://citytourdanang.com/lich-su-van-hoa